Theo nguồn tin trên, Broadcom đang nghiên cứu mảng thiết kế và marketing chip của Intel. Công ty này đã thảo luận với các cố vấn về khả năng chào mua. Tuy nhiên, việc này sẽ chỉ được tiến hành nếu tìm được đối tác mua mảng sản xuất của Intel.
Trong khi đó, TSMC - hãng gia công chip lớn nhất thế giới - đang nghiên cứu khả năng kiểm soát một số hoặc toàn bộ nhà máy chip của Intel. Họ có thể sẽ lập liên minh đầu tư để làm điều này.
Tuy nhiên, nguồn tin của WSJ cũng cho biết Broadcom và TSMC hiện không hợp tác với nhau. Các cuộc thảo luận ở hai công ty cũng chỉ là sơ bộ và chưa chính thức.

[Bo mạch chủ của Intel tại Triển lãm Computex (Đài Loan) tháng 6/2024. Ảnh: Reuters
Chủ tịch tạm quyền của Intel Frank Yeary gần đây tham gia nhiều cuộc họp với các bên muốn mua và quan chức chính phủ Mỹ. Giới chức cho rằng Intel có vai trò quan trọng với an ninh quốc gia. Yeary cũng tiết lộ với một số người thân cận rằng ông sẽ tập trung tối đa hóa giá trị cho cổ đông Intel.
Trước đó, Bloomberg đưa tin TSMC đang cân nhắc nắm cổ phần kiểm soát trong các nhà máy của Intel, theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, sau đó vài giờ, một quan chức Nhà Trắng cho biết trên Reuters rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể không ủng hộ việc các nhà máy của Intel được vận hành bởi thực thể nước ngoài. Người này giải thích chính phủ Mỹ muốn công ty nước ngoài đến xây nhà máy tại đây hơn.
Intel là doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất chip nội địa của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tháng 11/2024, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ hoàn tất khoản hỗ trợ 7,86 tỷ USD cho Intel. Công ty này hiện thuộc số ít doanh nghiệp vừa thiết kế vừa sản xuất chip.
Intel từng là hãng chip lớn nhất Mỹ, nhưng vài năm nay dần bị các đối thủ như Nvidia, Qualcomm, Broadcom, Texas Instrument và AMD vượt qua. Giới phân tích cho rằng Intel chậm chân khá nhiều trong cuộc đua AI, khiến thị phần dần rơi vào tay các công ty khác.
Cựu CEO Intel Pat Gelsinger đặt kỳ vọng rất cao cho mảng sản xuất và thiết kế chip AI, nhưng không đạt được. Việc này khiến hãng mất nhiều hợp đồng lớn.
TSMC hiện có vốn hóa cao gấp 8 lần Intel. Các khách hàng của công ty Đài Loan này gồm Nvidia, AMD - đối thủ của Intel trong mảng máy tính để bàn và máy chủ. Trong khi đó, cổ phiếu Intel năm ngoái giảm hơn 60%, chủ yếu do nỗ lực tăng sản xuất khiến dòng tiền của hãng cạn kiệt. Intel đến nay đã phải cắt giảm 15% nhân lực toàn cầu.
Hà Thu (theo Reuters)