"Miễn là chúng ta làm tốt việc của mình, nền kinh tế trong nước sẽ vận hành suôn sẻ và dần tiến về phía trước", Han Wenxiu - Phó chủ tịch Văn phòng phụ trách tài chính - kinh tế thuộc Ban chấp hành Trung ương đảng Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo hôm 19/7.

Khi được hỏi về cách thức tăng trưởng trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, ông cho rằng có 3 lĩnh vực nước này cần tập trung. Đó là ổn định thị trường bất động sản, tăng tốc phát triển các ngành công nghiệp tương lai và mới nổi, cũng như đẩy mạnh nhu cầu nội địa.

Cuộc họp báo hôm 19/7 diễn ra sau khi Trung Quốc bế mạc Hội nghị Trung ương 3 trước đó một ngày. Các giải pháp chi tiết được kỳ vọng công bố trong vài ngày tới. Dù vậy, trong nghị quyết sau phiên họp, giới chức kêu gọi tăng cường lĩnh vực công nghệ trong nước và nỗ lực đạt các mục tiêu kinh tế của năm 2024.

2024-02-02T143218Z-626608381-R-9311-9849-1721383000.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=seLwGfx7guqjbhmJv5GI_w

Một dự án bất động sản dang dở của China Evergrande Group tại Hà Bắc (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tăng nhiệt dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump năm nay tiếp tục tranh cử và đe dọa áp thuế nhập khẩu 60% với hàng hóa Trung Quốc nếu giành chiến thắng. Tháng trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng thuế với xe điện Trung Quốc lên hơn 100%. Liên minh châu Âu (EU) cũng có động thái tương tự với sản phẩm này.

Trong nghị quyết sau phiên họp và các bình luận chính thức, giới chức Trung Quốc không nhắc tên quốc gia hay khu vực cụ thể nào. Họ chỉ đánh giá chính trị nói chung căng thẳng, trong đó có việc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) "tạm thời" đi xuống.

"Bất ổn bên ngoài đang tăng lên, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến các cam kết và sự tự tin của Trung Quốc vào quá trình cải tổ, mở cửa", Mu Hong - Phó chủ tịch Văn phòng cải cách toàn diện thuộc Ban chấp hành Trung ương đảng Trung Quốc cho biết.

Hôm 19/7, Han cũng thừa nhận nền kinh tế hiện đối mặt với một số thách thức và kêu gọi có thêm "các chính sách vĩ mô hiệu quả, mạnh mẽ hơn", như cải thiện hệ thống quản trị và đồng bộ tăng trưởng của cả khu vực thành thị, nông thôn.

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nhanh nhờ cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc gần đây chậm lại. Trong quý II, GDP nước này tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn đầu năm và thấp hơn dự báo của giới phân tích.

Các số liệu này cho thấy thách thức với giới chức Trung Quốc vẫn rất lớn. Bắc Kinh đang tìm cách thúc đẩy nhu cầu nội địa trong bối cảnh thị trường bất động sản khủng hoảng 3 năm qua, nợ chính quyền địa phương tăng và chi tiêu của doanh nghiệp yếu.

Năm nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đặt mục tiêu tăng trưởng quanh 5%. Giới phân tích đánh giá đây là mục tiêu tham vọng và có thể cần tăng kích thích mới đạt được.

Hà Thu (theo CNBC, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022