Thông tin trên được Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) và Cơ quan quản lý năng lượng Trung Quốc (NEA) đưa ra hôm 9/2, nhằm thay đổi "theo định hướng thị trường" với chính sách khuyến khích năng lượng sạch.
Trung Quốc áp dụng chính sách giá cố định (FIT) với năng lượng tái tạo từ 2009, ở mức 0,5-0,6 nhân dân tệ một kWh điện gió và 4-9 nhân dân tệ với điện mặt trời. Chính sách này được giảm dần qua từng năm và từ 2019 chuyển sang mức giá trần. Theo đó, mỗi kWh điện gió trên bờ còn 0,34-0,52 nhân dân tệ, điện mặt trời là 0,4-0,55 nhân dân tệ.
Đến 2021, các dự án năng lượng tái tạo mới không còn được trợ cấp từ chính quyền trung ương và hỗ trợ "có mục tiêu" tùy từng địa phương. Mức giá do NDRC, NEA và chính quyền địa phương quyết định.
Nhờ một phần trợ cấp qua giá FIT, các dự án loại nguồn điện tái tạo phát triển bùng nổ tại Trung Quốc. Việc này, theo các cơ quan quản lý năng lượng, không phản ánh đầy đủ cung cầu thị trường, cũng như chia sẻ trách nhiệm điều tiết hệ thống điện.
Theo chính sách mới, các dự án được đưa vào hoạt động từ nay đến trước ngày 1/6 được tính giá và khối lượng điện bán phù hợp với các chính sách hiện hành. Còn dự án vận hành sau mốc thời gian này sẽ bán một phần theo cơ chế đấu thầu, dựa trên cung cầu thị trường.
NDRC cho biết sẽ làm việc với các chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc để thực hiện kế hoạch. Chi tiết công thức định giá không được công bố.
![Mot-cong-nhan-dang-kiem-tra-ca-1726-9317-1739158144.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4ypIRMe-lX421hb2YpiDig](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/10/Mot-cong-nhan-dang-kiem-tra-ca-1726-9317-1739158144.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4ypIRMe-lX421hb2YpiDig)
Một công nhân kiểm tra các tấm pin mặt trời tại dự án ở Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Việc chuyển sang cơ chế giá đấu thầu có thể tạo thêm áp lực cho ngành năng lượng mặt trời vốn trong tình trạng dư cung so với nhu cầu toàn cầu tại quốc gia này. Tình trạng này khiến giá tấm pin mặt trời giảm mạnh, đẩy các nhà sản xuất nhỏ hơn vào nguy cơ phá sản.
Người dùng điện được phân làm ba nhóm gồm dân cư, doanh nghiệp nông nghiệp và công nghiệp, thương mại. Giới chức Trung Quốc kỳ vọng chính sách giá mới không tác động đến giá bán cho người dùng và hoạt động nông nghiệp. Với lĩnh vực công nghiệp và thương mại, giá điện "về cơ bản giống nhau" khi cách tính mới có hiệu lực.
Các nguồn điện sạch đóng góp trên 40% tổng công suất phát điện của Trung Quốc, một phần nhờ chính sách đảm bảo giá năng lượng tái tạo bán cho lưới điện.
Năm 2024, công suất lắp đặt điện mặt trời tại Trung Quốc tăng 45% so với năm trước đó. Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, hiện nước này có công suất điện mặt trời gần 887 GW, gấp hơn 6 lần của Mỹ. Công suất điện gió cũng tăng 18%, đạt 520 GW. Giới phân tích nhận định năng lượng tái tạo có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu điện mới từ Trung Quốc trong 2025.
Bảo Bảo (theo Reuters, Tân hoa xã)