Hôm 9/8, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO "để bảo vệ quyền và lợi ích của ngành xe điện, cũng như bảo vệ sự hợp tác toàn cầu trong quá trình chuyển đổi xanh".

Hôm 12/6, EU thông báo sẽ áp thuế chống trợ giá từ 17,4-37,6% với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, thay vì mức chung là 10% như trước đây. Khối này cho rằng xe điện Trung Quốc hưởng lợi không công bằng từ các khoản trợ cấp của chính phủ. Bắc Kinh thì khẳng định các khoản hỗ trợ của họ phù hợp với quy định của WTO.

Từ tháng trước, EU bắt đầu áp thuế nhập khẩu tạm thời. Dù vậy, theo quy định của EU, hai bên sẽ có thời hạn đến đầu tháng 11 để giải quyết bất đồng. Sau thời gian này, thuế tạm thời sẽ trở thành chính thức.

BYD-EU-3621-1723257431.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=a2Y5ra8uxkOiYrTBy6ieUw

Khách tham quan xe BYD Seal U tại một triển lãm ở Munich (Đức) năm 2023. Ảnh: AP

Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng thuế nhập khẩu của EU vi phạm các quy tắc của WTO và làm ảnh hưởng đến việc hợp tác toàn cầu về giải quyết biến đổi khí hậu.

Số liệu của Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc hôm 9/8 cho thấy trong tháng 7, lượng ôtô Trung Quốc xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, doanh số trong nước giảm.

Hồi tháng 5, Global Times đưa tin Trung tâm Nghiên cứu chính sách và chiến lược ôtô Trung Quốc đề xuất nước này nâng thuế nhập khẩu với xe xăng cỡ lớn lên 25%. Mức hiện tại là 15%. Đến tháng 6, doanh nghiệp ôtô Trung Quốc cũng kêu gọi chính phủ áp dụng biện pháp đáp trả.

Cũng trong tháng 6, Trung Quốc mở cuộc điều tra rượu cognac Pháp và thịt lợn châu Âu xuất khẩu sang nước này. Bắc Kinh khi đó viện dẫn quy định của WTO về "thuế bù đắp" với các sản phẩm bị coi là có trợ giá. Một số nhà phân tích lo ngại các động thái trên có thể phát triển thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện giữa hai bên.

Hà Thu (theo AP, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022