Ngày 10/2 là hạn chót công bố cam kết khí hậu mới cho năm 2035 lên Liên Hợp Quốc, nhưng 185 trên tổng số 195 quốc gia đã bỏ lỡ mốc thời gian này. Cam kết khí hậu là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) theo Thỏa thuận khí hậu Paris, nhằm hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng quá ngưỡng 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.
Danh sách ít ỏi đã nộp NDC vắng bóng các nước phát thải lớn nhất thế giới. Một trong 10 quốc gia nộp sớm nhất là Mỹ, nhưng chỉ mang tính biểu tượng.
Trung Quốc, nước phát thải lớn nhất thế giới, nắm giữ chìa khóa của hội nghị khí hậu COP30 sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Brazil. Tính theo năm, nước này đang phát thải nhiều hơn tất cả nước phát triển cộng lại.
Bù lại, họ đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, phá vỡ kỷ lục về công suất phát điện sạch mới trong hai năm qua và có thể duy trì tốc độ này năm nay.
![Mat-troi-lan-gan-mot-nha-may-d-3067-6334-1739251215.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dtUXaytnF9rmR6flpRafZA](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/11/Mat-troi-lan-gan-mot-nha-may-d-3067-6334-1739251215.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dtUXaytnF9rmR6flpRafZA)
Mặt trời lặn gần một nhà máy điện than bên bờ sông Dương Tử, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, tháng 12/2018. Ảnh: AP
Tuy nhiên, để đáp ứng được ngân sách carbon toàn cầu, Trung Quốc phải đạt đỉnh phát thải trong năm nay, sau đó giảm khoảng một phần ba vào 2035. Các chuyên gia cho biết những đợt cắt giảm mạnh như vậy khả thi với nước này. Liệu nước này có nắm bắt được cơ hội đó hay không sẽ là một quyết định chính trị.
Giới cầm quyền Bắc Kinh hiện tranh cãi giữa việc đẩy mạnh nền kinh tế xanh hay ủng hộ than đá. Những bất đồng này còn gia tăng bởi các tính toán về tác động thuế quan từ ông Trump.
![Sau-nen-kinh-te-phat-thai-nhie-7548-8137-1739251215.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1NOy5nInEv95TPhaGW6r6A](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/11/Sau-nen-kinh-te-phat-thai-nhie-7548-8137-1739251215.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1NOy5nInEv95TPhaGW6r6A)
Sáu nền kinh tế phát thải nhiều nhất đến năm 2023, chưa tính đến lĩnh vực hàng không và vận chuyển. Đơn vị: triệu tấn CO2 mỗi năm. Nguồn: The Guardian/Global Carbon Budget
Trung Quốc từng ở ngã ba đường tương tự cách đây gần một thập kỷ. Đầu năm 2016, giới phân tích cho rằng lượng khí thải của Trung Quốc có thể đã đạt đỉnh, nhưng nước này đột ngột quay trở lại dùng điện than.
Quá trình đảo ngược này bắt đầu trước khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ lần một vào tháng 11/2016. Với việc tái đắc cử của ông Trump, các chuyên gia không loại trừ Bắc Kinh sẽ tiếp tục "quay xe".
Ấn Độ là quốc gia phát thải lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ, theo thống kê của Global Carbon Budget, cũng bỏ lỡ thời hạn đệ trình NDC lần này.
"Chúng tôi không có khả năng nộp cam kết cập nhật đúng hạn", một quan chức Ấn Độ giấu tên nói với Reuters.
Nguồn tin của chuyên trang khí hậu Carbon Brief cho biết nước này "không vội" và có thể đệ trình NDC vào nửa cuối năm nay và cam kết của họ sẽ "phản ánh sự thất vọng về kết quả đàm phán tài chính khí hậu tại COP29 ở Baku".
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ không đệ trình đúng hạn do vấn đề kỹ thuật, áp lực kinh tế và bất ổn chính trị. Australia muốn hoãn thời gian công bố sau cuộc bầu cử Tổng thống nước này vào tháng 5. Nga chưa lên tiếng về thời hạn sẽ nộp cam kết.
Với Mỹ, nước này đã đệ trình NDC lên Liên Hợp Quốc trước thềm Tổng thống Donald Trump nhậm chức, nhưng ông đã lập tức rút nước này khỏi Thỏa thuận Paris.
"Việc ông Trump tái đắc cử hạn chế tham vọng về khí hậu của Mỹ trước mắt, giảm áp lực lên Trung Quốc, Nga, Arab Saudi và các nước phát thải lớn khác", ông Paul Bledsoe, làm việc tại Trung tâm Chính sách môi trường của Đại học Mỹ, cảnh báo. Ông từng là cựu cố vấn về khí hậu của Nhà Trắng thời cựu Tổng thống Bill Clinton.
Paul thêm rằng khi đảng Cộng hòa giành chiến thắng, các nước khác thường đưa ra cam kết khí hậu kém tham vọng hơn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc hầu hết quốc gia bỏ lỡ thời hạn công bố NDC là bình thường. "Phần lớn các nước nói sẽ đệ trình kế hoạch mới trong năm nay", Giám đốc khí hậu của Liên Hợp Quốc Simon Stiell nói tại Brazil tuần trước. Ông thêm rằng họ đang thực hiện điều này "cực kỳ nghiêm túc".
"Hoàn toàn hợp lý khi các nước dành thêm chút thời gian để đảm bảo kế hoạch của họ là tốt nhất", ông Simon bổ sung. Chậm nhất, nhóm thư ký về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cần bản cam kết của các nước vào tháng 9 để đưa vào báo cáo công bố trước COP30.
Bảo Bảo (theo Carbon Brief, The Guardian)