Theo các chuyên gia ngành gỗ và nội thất, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 5.0 hiện nay, việc áp dụng công nghệ mới trong quy trình sản xuất chính là một giải pháp mang tính cấp thiết và hữu hiệu để có thể giúp doanh nghiệp ngành gỗ giải quyết những thách thức và khó khăn tồn đọng.

Triển lãm quốc tế về Giải pháp Nội thất thông minh (tên tiếng Anh: Smart Furniture Solutions Vietnam 2024, gọi tắt SFS Vietnam 2024) ra đời với mục đích xúc tiến thương mại cũng như góp phần vào công cuộc phát triển ngành gỗ Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Triển lãm do VCCI (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) chi nhánh TP HCM phối hợp với Công ty Cổ phần thương mại Dịch vụ B.I.F.A, Pablo Publishing & Exhibition PTE LTD đồng tổ chức.

okie-6-JPG-9139-1731401520.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hjQD3vzMlK91b-CPuPwJ_Q

Đại diện ban tổ chức và lãnh đạo tỉnh Bình Dương chụp ảnh lưu niệm tại họp báo giới thiệu triển lãm. Ảnh: Hoàng Anh

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đứng thứ hai thế giới (chỉ sau Trung Quốc) về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao (là đồ mộc trong nhà và ngoài trời). Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam ước đạt 12,15 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới. Trong đó 5 thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU - chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.

Riêng Bình Dương, trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 19% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Thông tin được ông Nguyễn Trường Thi, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Dương chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu về SFS hôm 11/11.

Toàn tỉnh Bình Dương hiện có hơn 1.200 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, trong đó, hơn 300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngành chế biến gỗ cũng là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tỉnh. Mỹ là thị trường chủ yếu của xuất khẩu gỗ Bình Dương, chiếm 83,3% tỷ trọng xuất khẩu. Ông Thi kỳ vọng ngành gỗ Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ được hưởng lợi nhiều hơn sau khi ông Donald Trump lên nhậm chức tổng thống Mỹ vào năm tới.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, để ngành gỗ tiếp tục phát triển và vượt qua các thách thức mới, một trong những hoạt động cần lưu tâm là đẩy mạnh xúc tiến thương mại nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường, ký kết đơn hàng xuất khẩu mới ngoài các thị trường truyền thống. Đó cũng là lý do để SFS Vietnam lần thứ 5 được tổ chức tại WTC EXPO Bình Dương.

okie-2-JPG-4381-1731401520.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3OLIF6Z83HYrzSU4aqaW8Q

Đại diện ban tổ chức và lãnh đạo tỉnh Bình Dương giải đáp các câu hỏi của truyền thông tại buổi họp báo. Ảnh: Hoàng Anh

Chia sẻ tại buổi họp báo, ban tổ chức cho biết, sau hai tháng phát động, triển lãm đã có 250 gian hàng đăng ký, chiếm 10.000 m2 trong tổng số diện tích 12.000 m2 của công trình WTC EXPO Bình Dương. Bên cạnh các doanh nghiệp ngành gỗ, triển lãm còn thu hút nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thiết bị phụ trợ ngành gỗ như hệ thống đánh khí, hút bụi, lò hơi lò sấy, hoặc các doanh nghiệp nội thất khác như gốm sứ.

Đặc biệt, với mong muốn phản ảnh xu hướng phát triển nội thất thông minh trên thế giới, triển lãm có nhiều gian hàng về nội thất thông minh. Tại đây, khách tham quan có thể chứng kiến và trải nghiệm những nội thất có thể gấp gọn, đa năng, phù hợp với không gian sống hiện đại, hoặc nội thất ứng dụng công nghệ IoT và có thể điều khiển thông qua smartphone.

Trong khuôn khổ triển lãm còn có hội thảo chuyên ngành với chủ đề "Ứng dụng quy trình thông minh sử dụng phần mềm Alphacam và Cabinet Vision" vào ngày 28/11. Alphacam và Cabinet Vision được xem là phần mềm có độ ứng dụng đa dạng, linh hoạt trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là nội thất với các sản phẩm như cửa chính, cửa sổ, tủ, cầu thang, điêu khắc trên mặt phẳng. Phần mềm này hiện có hơn 35.000 người sử dụng tại 52 quốc gia, và có sẵn ở 13 ngôn ngữ. Tại triển lãm, phần mềm này sẽ được giới thiệu trong sản xuất gỗ tấm thông minh và sản xuất gỗ nguyên khối thông minh.

Mang đến nhiều thông tin hữu ích cho ngành gỗ, triển lãm được dự đoán sẽ đón khoảng 10.000 lượt khách tham quan. Bà Dương Thị Tú Trinh, Tổng giám đốc B.I.F.A JSC cho biết, SFS Việt Nam có nhiều khác biệt để thu hút khách tham quan so với các triển lãm nội thất khác. Theo bà, điểm nhấn lớn nhất của triển lãm chính là giới thiệu các sản phẩm hài hòa giữa công nghệ hiện đại và thiết kế sáng tạo - đó vừa là nội thất thông minh vừa giúp nhà đẹp hơn. Bên cạnh đó, triển lãm còn có nhiều hoạt động như hội thảo, trình diễn của Câu lạc bộ Sản xuất tinh gọn thuộc Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương. Xuyên suốt các ngày triển lãm đều diễn ra các minigame, với giải thưởng cao nhất có tổng giá trị đến 9.000 USD.

Bà Trinh cũng nhấn mạnh, triển lãm tìm nhiều cách tạo điều kiện để các nhà đầu tư gặp gỡ, kết nối. Vì thế, ban tổ chức đã quảng bá thông tin về triển lãm tới nhiều nước trên thế giới, không chỉ ở phạm vi Việt Nam và Bình Dương.

Hoàng Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022