Phát biểu tại thảo luận chiều 15/2, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cho rằng để đạt tăng trưởng cao năm nay cần ưu tiên các giải pháp tức thì, tác động ngay tới nền kinh tế.

Ông phân tích, kinh tế muốn tăng ở mức cao cần nguồn lực, tức phải có đầu tư và tiền. Chính phủ đặt kế hoạch GDP tăng trên 8%, tạo đà cho tăng trưởng hai chữ số giai đoạn tới, nên tín dụng ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng để đạt mục tiêu này.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, cao hơn 0,92 điểm phần trăm so với thực hiện 2024.

"Nếu tăng trưởng tín dụng bình bình 15-16%, sẽ khó phát triển. Tín dụng cần tăng 18-19% mới có nguồn lực cho đầu tư", ông nói, thêm rằng cần phải có tinh thần phụng sự, thay đổi quy trình thủ tục... để doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Trinh-Xuan-An-1739612177-2255-1739613271.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ME0BMSUCcaY-VSJm6Z1n2w

ông Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh, ngày 15/2. Ảnh: Giang Huy

Năm ngoái, tăng trưởng tín dụng ở mức 15,08% so với cuối năm 2023. Khoảng 2,2 triệu tỷ đồng được bổ sung vào nền kinh tế, với doanh số cho vay 23 triệu tỷ.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TP HCM cũng nói "tín dụng cần tăng trưởng ít nhất 17-18% năm nay để hỗ trợ tăng trưởng".

Tuy vậy, việc tăng cung tiền ra nền kinh tế có thể ảnh hưởng, làm tăng lạm phát. Tại Đề án bổ sung kinh tế xã hội 2025, Chính phủ muốn được điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát lên bình quân 4,5-5%. Mức này tăng 0,87-1,37 điểm phần trăm so với thực hiện 2024.

Thẩm tra trước đó, Ủy ban Kinh tế nhìn nhận việc tăng chỉ tiêu lạm phát là cần thiết để tạo không gian điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô, đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp.

Năm ngoái, CPI tăng 3,63% nhưng nhiều mặt hàng thiết yếu neo giá ở mức cao. Chẳng hạn, lương thực tăng 12,2%, dịch vụ y tế 9%, dịch vụ giáo dục 5,7%... Trong khi đó, thu nhập bình quân của người lao động tăng 8,6%, thấp hơn mức tăng của các mặt hàng thiết yếu.

Nêu ý kiến tại thảo luận tổ chiều 14/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng có thể phải hy sinh một phần lạm phát để đạt tăng trưởng kinh tế trên 8% năm nay. Bởi, theo ông, muốn đẩy tiền ra cho sản xuất kinh doanh phải chấp nhận một phần lạm phát cao hơn. Ông khẳng định chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành linh hoạt, kết hợp hài hòa với tài khóa (thuế, phí, tăng thu, tiết kiệm chi...), tạo không gian thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân

Với kịch bản GDP trên 8% năm nay, khu vực kinh tế tư nhân được kỳ vọng đóng góp khoảng 96 tỷ USD trong 174 tỷ USD tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Ông Trịnh Xuân An cho rằng cần cơ chế để tăng đầu tư tư nhân, khi khu vực này chiếm 55% tổng mức đầu tư toàn xã hội.

Đầu tư kinh tế tư nhân bình quân tăng 7-9% một năm, nhưng vừa qua có xu hướng giảm. "Cần đặt chỉ tiêu và có giải pháp để đầu tư khu vực này tăng hai chữ số trở lên, góp phần vào tăng trưởng kinh tế", ông nói.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận "cần cơ chế để kinh tế tư nhân phát triển đủ mạnh, là động lực cho tăng trưởng kinh tế".

Ông cho biết Chính phủ ưu tiên giải pháp nhằm tận dụng sự dịch chuyển dòng đầu tư, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... tạo lực cho khu vực tư nhân phát triển.

Nguyen-Chi-Dung-1739612357-5967-1739613271.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1-pFfnF_t2g9FO9crpP1cQ

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chiều 15/2. Ảnh: Giang Huy

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay Chính phủ sẽ báo cáo Trung ương để xin ban hành một Nghị quyết riêng về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, sẽ có những cơ chế cho phát triển hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có khả năng dẫn dắt.

Ngoài ra, để đạt mục tiêu GDP 2025 trên 8%, Chính phủ đặt ra nguyên tắc "tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, không đẩy lạm phát lên cao và đảm bảo môi trường".

Về ngắn hạn, ông Dũng cho biết Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, hoàn thành sớm việc tổ chức sắp xếp bộ máy để không ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh các động lực truyền thống (xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư), mở rộng và phát triển các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số... cũng là giải pháp cần chú ý.

Về dài hạn, các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phân cấp phân quyền triệt để tiếp tục được đẩy mạnh.

Dự kiến, Quốc hội biểu quyết thông qua Đề án bổ sung kinh tế xã hội 2025 vào ngày 19/2.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022