Ngày 4/2, thuế nhập khẩu Mỹ áp lên Trung Quốc có hiệu lực. Theo sắc lệnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ba ngày trước đó, toàn bộ hàng Trung Quốc vào Mỹ bị áp thuế nhập khẩu thêm 10%, do nước này không chặn được hoạt động buôn lậu fentanyl sang Mỹ.

Giới phân tích cho rằng thuế này có thể là đòn giáng lớn vào nền kinh tế đang gặp nhiều vấn đề của Trung Quốc. Việc bị áp thêm thuế buộc nước này tung thêm chính sách kích thích để thúc đẩy tăng trưởng. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp thuế 25% với khoảng 350 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Các nhà kinh tế học tại Goldman Sachs dự báo thuế mới sẽ khiến GDP Trung Quốc giảm thêm 0,5% năm nay. Theo đó, tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới có thể chỉ tăng 4,5%, thấp hơn so với 5% năm ngoái. Lạm phát cũng chậm lại, do nhu cầu yếu. Chỉ số giá tiêu dùng của nước này được dự báo tăng 0,4% năm nay.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và hãng nghiên cứu Rhodium Group cũng đưa ra dự báo GDP Trung Quốc chỉ tăng quanh 4,5%. Giới chức chưa công bố mục tiêu tăng trưởng năm nay, nhưng nếu họ giữ nguyên mức năm ngoái quanh 5%, Trung Quốc sẽ gặp nhiều thách thức hơn.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với hàng loạt vấn đề, từ khủng hoảng bất động sản kéo dài, tiêu dùng nội địa yếu đến niềm tin kinh doanh giảm sút. Xuất khẩu vì thế vẫn là động lực tăng trưởng chính của họ. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2023 xuất khẩu đóng góp gần 20% GDP Trung Quốc.

Năm ngoái, kim ngạch thương mại Mỹ - Trung Quốc đạt 4.898 tỷ nhân dân tệ (668 tỷ USD), theo số liệu Hải quan Trung Quốc công bố tháng trước. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc rất lớn, 361 tỷ USD năm ngoái, cao hơn so với 336 tỷ USD năm 2023.

china-reu-1738729881-173872991-3393-1608-1738729954.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=u4DeCJXQ-Q4tVkNQvJl3ow

Người dân tại một khu mua sắm ở Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Khi Trump bắt đầu nhiệm kỳ 2, ông yêu cầu điều tra liệu Bắc Kinh có tuân thủ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà hai nước ký kết năm 2020 hay không. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố ngày 11/4. Việc này nhiều khả năng châm ngòi cho vòng áp thuế mới lên Bắc Kinh.

"Mức thuế 10% được Mỹ công bố rất nhanh, nhưng thấp hơn kỳ vọng. Có nhiều điều chưa chắc chắn về thời điểm và quy mô vòng áp thuế tiếp theo với Trung Quốc" Wang Tao - kinh tế trưởng tại UBS Investment Bank nhận định trên CNBC. Bà giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm nay ở mức 4%, cho rằng Trung Quốc sẽ bị áp thêm thuế và Bắc Kinh phải tăng chính sách hỗ trợ.

Ngân hàng Barclays nhận định Trung Quốc đã "vượt qua" đợt áp thuế mạnh tay trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Nhưng lần này, họ "có thể không thoát khỏi ảnh hưởng dễ dàng". Dư địa chính sách của Bắc Kinh với tỷ giá không còn nhiều. Biên lợi nhuận của các hãng xuất khẩu cũng mỏng.

Vài ngày qua, giá nhân dân tệ trên thị trường quốc tế liên tục yếu đi so với đôla Mỹ, có thời điểm xuống thấp kỷ lục tại 7,37 CNY một USD. Đồng tiền này mất giá 3,7% kể từ khi ông Trump thắng cử tháng 11/2024.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc sáng 5/2 giảm điểm ngay khi mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Shanghai Composite mất 0,4%. Hang Seng Index giảm 0,9%.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thiết lập tỷ giá tham chiếu tại 7,163 CNY một USD, mạnh hơn dự báo, xóa tan lo ngại nước này dùng nhân dân tệ để đối phó thuế nhập khẩu. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, nhân dân tệ mất giá 5% so với USD năm 2018, khi vòng áp thuế đầu tiên được thực hiện. Năm sau đó, khi căng thẳng leo thang, đồng tiền này giảm thêm 1,5% nữa.

"Chúng tôi dự báo Trung Quốc vẫn dựa vào các gói kích thích để thúc đẩy nhu cầu trong nước, thay vì hạ giá nội tệ mạnh tay để bù đắp tác động của thuế nhập khẩu", Ding Shuang - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered Bank cho biết.

Nếu Mỹ tiếp tục tăng thuế nhập khẩu với Trung Quốc, Goldman Sachs cho rằng PBOC sẽ ưu tiên ổn định tỷ giá hơn là nới lỏng tiền tệ. Cơ quan này có thể cho phép giá nhân dân tệ trong nước giảm dần, về 7,4-7,5 CNY một USD.

Từ tháng 9 năm ngoái, Bắc Kinh đã tung hàng loạt chính sách kích thích kinh tế, như giảm lãi suất và gói kích thích tài khóa 5 năm trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.400 tỷ USD). Nhờ đó, hoạt động kinh tế tại một số lĩnh vực đã ổn định trở lại.

Năm nay, giới chức Trung Quốc cam kết ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng và mở rộng chương trình thu cũ đổi mới hàng hóa. Vài năm qua, họ đã đa dạng hóa thương mại với các nước khác và tăng tự chủ công nghệ để tránh phụ thuộc vào Mỹ.

Sau khi thuế nhập khẩu của Mỹ có hiệu lực, Trung Quốc ngay lập tức tung biện pháp trả đũa. Theo đó, từ ngày 10/2, than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Mỹ sẽ bị áp thuế 15%. Dầu thô, máy móc trang trại và một số loại ôtô bị chịu mức 10%. Bộ Thương mại và Hải quan Trung Quốc cũng cho biết sẽ siết xuất khẩu hàng loạt kim loại quan trọng như tungsten, tellurium, ruthenium, molybdenum "để bảo vệ an ninh quốc gia". Nước này cũng mở cuộc điều tra chống độc quyền với Google, đồng thời đưa hai công ty Mỹ vào danh sách "thực thể không đáng tin cậy", có thể bị trừng phạt.

Dù vậy, các chính sách này được đánh giá có tác động khiêm tốn so với đòn thuế của Mỹ. Tuy vậy, động thái này vẫn đủ lớn để khiến căng thẳng leo thang, theo Julian Evans-Pritchard – Giám đốc nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics.

Lynn Song, nhà kinh tế học tại LNG cho rằng nếu bị dồn vào chân tường, đòn trả đũa của Trung Quốc có thể vượt xa tưởng tượng. Ông lập luận Bắc Kinh vẫn còn nhiều công cụ, như cấm xuất khẩu đất hiếm hay nhắm vào nhiều công ty lớn của Mỹ phụ thuộc vào thị trường này.

Các thị trường đang theo sát động thái tiếp theo của Trung Quốc. Giới chức nước này được kỳ vọng tung gói kích thích mới và đưa ra mục tiêu tăng trưởng trong cuộc họp thường niên tháng 3.

"Chúng tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục công bố kích thích tài khóa. Thâm hụt tài khóa năm nay có thể tăng thêm 2,6% GDP", các nhà kinh tế học tại Goldman Sachs cho biết.

Hà Thu (theo Reuters, CNBC)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022