Ngày 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị giữa Thường trực Chính phủ với các ngân hàng thương mại. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm nay, Chính phủ đặt kế hoạch GDP tăng trên 8%, tạo đà cho tăng trưởng hai chữ số giai đoạn tới. Thủ tướng đánh giá ngành ngân hàng góp phần quan trọng giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Ông cũng cho rằng các nhà băng đã chia sẻ với người dân, doanh nghiệp khi giảm bớt lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay.
Tính đến cuối năm ngoái, lãi suất cho vay giảm 1,24% so với cuối 2023. Thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá. Nợ xấu được kiểm soát thấp hơn mục tiêu 3%.
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng các nhà băng vẫn cần giảm chi phí, "hy sinh một phần lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế".
"Các ngân hàng kinh doanh phải có lãi nhưng ngoài lợi nhuận phải mang lại lợi ích chung cho đất nước", Thủ tướng nói.
![img7475-1739253778064198671620-2975-5267-1739259965.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1Pvbl3GZLNS_iicj2dkiKg](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/11/img7475-1739253778064198671620-2975-5267-1739259965.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1Pvbl3GZLNS_iicj2dkiKg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị với các ngân hàng thương mại, ngày 11/2. Ảnh: VGP
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng GDP ít nhất từ 8% trở lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 4-4,5%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, nguồn lực cần rót vào nền kinh tế là rất lớn, thông qua vốn từ ngân sách và tiền đầu tư của người dân, doanh nghiệp.
Trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung và dài hạn như chứng khoán và trái phiếu còn vấn đề, tín dụng sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Thông thường, để có 1% tăng trưởng kinh tế, tín dụng phải tăng 2 điểm phần trăm. Tức là, tín dụng năm nay phải tăng khoảng 16%, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Đầu tư công là một trong những động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh, vốn cần để phát triển các dự án hạ tầng giao thông là rất lớn. Ngoài nguồn lực từ ngân sách, ông Minh nói ngành cần sự đồng hành của ngân hàng, bởi tổng mức đầu tư cho 5 loại hình giao thông rất lớn, lên tới 6,27 triệu tỷ đồng tới năm 2035.Với lĩnh vực này, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank cho biết nhà băng này tham gia nhiều dự án BOT, như cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Hữu Nghị - Chi Lăng, nhằm góp phần vào mục tiêu hoàn thành 3.000 km cao tốc trong năm nay. Năm ngoái, TP Bank tăng trưởng tín dụng 20,25%. Ngân hàng này giảm lãi suất vay cho khoảng 92.000 khách hàng, tương đương 1.900 tỷ trên tổng dư nợ 183.000 tỷ đồng. Để đảm bảo tăng trưởng năm nay, ông Phú kiến nghị cơ quan quản lý giảm dần, tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu (room) tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng. Việc này cũng được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề cập tới khi báo cáo Chính phủ sáng nay.
![Thong-doc-Hong-1739262096-1249-1739262224.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RIL9PAXaURbRd9cdVdVLaw](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/11/Thong-doc-Hong-1739262096-1249-1739262224.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RIL9PAXaURbRd9cdVdVLaw)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại hội nghị ngày 11/2. Ảnh: VGP
Trước ý kiến của các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xử lý kiến nghị. Ông cũng lưu ý các bên tháo gỡ cho dự án tồn đọng kéo dài của các công ty tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lãnh đạo Chính phủ nhắc các ngân hàng hoạt động đúng luật, chống tham nhũng, sách nhiễu. Ông ví dụ những sai phạm vừa qua liên quan đến trái phiếu có phần trách nhiệm của các nhà băng. Do đó, hệ thống cần rà soát, chấn chỉnh đạo đức kinh doanh. "Phải loại bỏ phần tử xấu khỏi hệ thống ngân hàng, không thể đẩy khách hàng vào hoàn cảnh khó khăn, trục lợi từ họ", ông nói, thêm rằng cơ quan thanh tra của ngành ngân hàng cần hoạt động hiệu quả hơn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định ngành ngân hàng sẽ tập trung tối đa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế đạt tăng trưởng 8% trở lên. Theo đó, cơ quan này sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, khai thác các động lực tăng trưởng, đồng thời xử lý nợ xấu và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Theo Thống đốc điều hành tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ linh hoạt theo tình hình thực tế. Tức là, nếu lạm phát duy trì thấp, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng tín dụng để kích thích tăng trưởng. Ngược lại, nếu có dấu hiệu rủi ro, chính sách tín dụng sẽ được điều chỉnh để đảm bảo ổn định vĩ mô.
Bà Hồng cũng nói một trong những ưu tiên là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây là khu vực tạo ra nhiều việc làm, đóng góp lớn vào nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ khai thác mạnh tín dụng tiêu dùng, bởi khi tiêu dùng tăng thì doanh nghiệp sẽ có động lực sản xuất.
Thủ tướng giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng xây dựng hồ sơ luật hóa Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới. Đồng thời, nhà điều hành sẽ sửa quy định liên quan tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước để bảo đảm cạnh tranh với các nhà băng cổ phần.
Phương Dung