Phát biểu thảo luận ở tổ chiều 14/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc điều chỉnh mục tiêu GDP trên 8% năm nay là yêu cầu khách quan, nhằm đạt mục tiêu đưa ra tại Đại hội XIII và trở thành nước có thu nhập cao vào 2045. Song ông thừa nhận đây cũng là thách thức lớn khi bình quân tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay ở mức thấp - gần 3% và khu vực ASEAN 4-4,5%, nhưng "khó mấy cũng phải làm".
Thực tế, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, tín dụng ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng. Năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 16%, tăng 0,92 điểm phần trăm so với thực hiện 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa (thuế, phí, tăng thu, tiết kiệm chi...) để tạo không gian thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
"Có thể phải hy sinh một phần lạm phát. Vì muốn đẩy tiền ra cho sản xuất kinh doanh phải chấp nhận một phần lạm phát cao hơn", Thủ tướng nói, thêm rằng Việt Nam ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao.
![Pham-Minh-Chinh2-1739523588-2333-1739525016.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AKhzUIfraRBMk8F5zeoomQ](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/14/Pham-Minh-Chinh2-1739523588-2333-1739525016.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AKhzUIfraRBMk8F5zeoomQ)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ở thảo luận tại tổ về tăng trưởng kinh tế, chiều 14/2. Ảnh: Giang Huy
Ngoài chỉ tiêu GDP, chỉ số về lạm phát cũng được đề nghị điều chỉnh lên bình quân khoảng 4,5-5% GDP. Bà Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư thường trực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý chính sách tiền tệ cần được điều hành thận trọng để không ảnh hưởng tới lạm phát.
Thẩm tra trước đó, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng việc điều chỉnh là cần thiết nhằm tạo không gian điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô, đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Năm ngoái, CPI tăng 3,63% nhưng nhiều mặt hàng thiết yếu neo giá ở mức cao. Chẳng hạn, lương thực tăng 12,2%, dịch vụ y tế 9%, dịch vụ giáo dục 5,7%... Trong khi đó, thu nhập bình quân của người lao động tăng 8,6%, thấp hơn mức tăng của các mặt hàng thiết yếu.
Đầu tư công vẫn là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng cao năm nay, với tổng vốn gần 900.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh giải ngân vốn công còn chậm, Thủ tướng cho hay Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc, quy định liên quan đấu thầu, vốn công với tinh thần "mắc đâu tháo gỡ đó".
Chẳng hạn, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, gồm đường sắt. Năm nay, Chính phủ sẽ khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối Trung Quốc và châu Âu.
"Đây là tuyến đường sắt chiến lược, dung hòa với đường hàng không, biển nên cần làm nhanh để đem lại hiệu quả đầu tư cao", ông nói.
Cùng với đó, Việt Nam sẽ phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM.
Tuy vậy, trong nhóm giải pháp thúc đẩy đầu tư công, quyền Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng góp ý nên tập trung vào chi đầu tư cho hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ, cho chuyển đổi số trong Chính phủ, từ đó mới giúp tăng trưởng trong các năm sau.
Ngoài dồn lực cho vốn công, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói kinh tế tư nhân là yếu tố quyết định cho tăng trưởng 8%, khi khu vực này chiếm 55% tổng mức đầu tư toàn xã hội.
Để phát triển khu vực tư nhân, theo Chủ tịch Quốc hội, quan trọng nhất là cải cách thể chế để nhà đầu tư yên tâm rót vốn. "Cần mạnh dạn cải cách để thủ tục đầu tư thông thoáng, cởi mở. Bây giờ phải quan tâm bồi dưỡng nguồn thu, thu đúng, đủ để doanh nghiệp, người dân đầu tư vào sản xuất kinh doanh", ông nói.
![Tran-Thanh-Man-1739528665-1524-1739529554.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GRegBPFGTabpwIk_Wd970A](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/14/Tran-Thanh-Man-1739528665-1524-1739529554.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GRegBPFGTabpwIk_Wd970A)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn góp ý tại thảo luận tổ, chiều 14/2. Ảnh: Hoàng Phong
Liên quan tới bội chi ngân sách, Chính phủ muốn điều chỉnh tỷ lệ này lên 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo (khoảng 5% GDP).
Với đề xuất này, ông Hà Sỹ Đồng nói cần cân nhắc việc nâng trần nợ công này. Bởi theo ông, các biện pháp vay nợ sẽ khiến lãi suất tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân khi vay vốn ngân hàng. Do đó, tăng thu, nâng bội chi và trần nợ công chỉ là giải pháp ứng phó khi Việt Nam "dính vào chiến tranh thương mại, chứ không phải giải pháp để đạt tăng trưởng 8%".
Thay vào đó, ông Đồng đề nghị Chính phủ tập trung tiết kiệm để có nguồn lực đầu tư công, không bội chi hay vay nợ khi chưa cần thiết và hoàn thiện thể chế, không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế để doanh nghiệp mở rộng đầu tư.
Việc cung tiền ra nền kinh tế nhiều hơn có thể làm tăng bội chi, nợ công, nợ Chính phủ và nước ngoài. Song Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định các chỉ số này đang được kiểm soát tốt trong thời gian qua, với tinh thần "vay được, trả được và đầu tư trúng, đúng".
Năm nay, Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng hai chữ số cho từng địa phương. Ông Lê Tiến Châu, Bí thư TP Hải Phòng nói thể chế và chính sách đặc thù là nguồn lực quan trọng nhất giúp các địa phương tăng trưởng ở mức cao. Ông dẫn chứng, khi Hải Phòng thực hiện Nghị quyết 35 với 5 cơ chế đặc thù, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 10%.
"Thể chế là nguồn lực quan trọng để tạo không gian cho các địa phương. Do đó cần mở rộng phạm vị áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để địa phương phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng cao", ông nói.
Anh Minh