Hôm nay đi vào lịch sử chứng khoán Nhật Bản như một ngày đen tối chưa từng có. Mở cửa phiên giao dịch chiều nay, Nikkei 225 giảm 13%, vượt mức kỷ lục "Thứ Hai đen tối" hồi năm 1987.

Tại thị trường Hàn Quốc, các chỉ số chính như Kosdaq hay Kospi mất gần 11%. Những thị trường được xem là ổn định hơn, như Singapore, cũng không thoát khỏi bán tháo, giảm trên 3%. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương có thời điểm sụt tới 5,5%, mức lớn nhất kể từ tháng 3/2020 và cũng gần xóa sạch thành quả từ đầu năm.

Các thị trường chứng khoán lớn của châu Âu cũng mở cửa trong sắc đỏ. Chỉ số FTSE 100 và All Share của Anh mất hơn 2% ngay khi mở phiên. Các chỉ số chính của Đan Mạch và Ba Lan giảm gần 4%. Hợp đồng tương lai các chỉ số chính của Phố Wall cũng lùi sâu, báo hiệu phiên giao dịch đầu tuần không mấy tích cực.

Làn sóng bán tháo lớn đến mức các công cụ ngắt mạch thị trường đã được kích hoạt trên các khắp châu Á. Sàn giao dịch chứng khoán Osaka buộc phải tạm ngưng giao dịch hợp đồng tương lai Nikkei 225 và Topix. Tại Hàn Quốc, nhà chức trách dừng mọi lệnh bán trong nỗ lực để ngăn chặn đà bán tháo. Hành động khẩn cấp này của chính quyền Hàn Quốc, theo giới phân tích, cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng hỗn loạn, khi các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro trên toàn thế giới.

chung-khoan-Nhat-5-8-4480-1722844541.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=y_FpUG8E4bKHmtu7hZX4tQ

Thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm sâu trong phiên giao dịch ngày 5/8. Ảnh: Reuters

Tiền số - kênh đầu tư mang tính rủi ro thường song hành với chứng khoán - cũng chìm trong sắc đỏ. Bitcoin - đồng tiền số vốn hóa lớn nhất thế giới - giảm gần 15% trong 24 giờ qua. Ethereum ghi nhận mức sụt cao nhất kể từ năm 2021, với hơn 20%. Tính chung, hai đồng tiền đứng đầu thị trường mất gần 1/3 quy mô vốn hóa trong 7 ngày qua.

Áp lực bán tháo trên thị trường cũng lan rộng khiến hàng loạt nhà đầu tư bị thanh lý các vị thế giao dịch hợp đồng tương lai. Theo Coinglass, hơn 1 tỷ USD các vị thế đã bị thanh lý trên các sàn giao dịch tiền điện tử.

Ở chiều ngược lại, dòng tiền đang đổ dồn vào các tài sản mang tính trú ẩn. Trên thị trường trái phiếu, giá tăng rất mạnh và kéo lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm. Tại Nhật Bản, lợi suất trái phiếu 10 năm cũng lao dốc, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4.

Bán tháo lan rộng trên thị trường chứng khoán do sự lan xen của loạt yếu tố tác động. Nỗi lo về khủng hoảng kinh tế tại Mỹ đã tạo ra làn sóng bán tháo từ các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nguyên nhân có thể đến từ động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vào tuần trước. Quyết định nâng lãi từ 0,1% lên 0,25% đã châm ngòi cho đợt xả hàng kéo dài liên tiếp.

Còn tại Mỹ, tăng trưởng việc làm trong tháng 7 chậm hơn đáng kể so với dự báo, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2021. Bộ Lao động Mỹ cho biết kinh tế nước này chỉ tạo ra thêm 114.000 việc làm trong tháng trước, giảm gần 36% so với tháng 6 và thấp hơn 38% dự báo từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên 4,3%.

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông cũng đang thổi bùng "ngọn lửa bất ổn" trên thị trường tài chính toàn cầu. Giá dầu tiếp tục giảm giữa những đồn đoán về khả năng Iran tấn công Israel để trả đũa, sau vụ chỉ huy cấp cao Hezbollah Fuad Shuk và thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát. Thị trường chứng khoán tại các nước này cũng chìm trong sắc đỏ trước lo ngại căng thẳng địa chính trị leo thang.

Số liệu kinh tế yếu hơn đáng kể so với dự báo khiến giới phân tích cho rằng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 và mức giảm lên tới 50 điểm cơ bản (0,5%).

"Chúng tôi đã tăng tỷ lệ suy thoái trong 12 tháng tới lên 25%", các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo ngắn, dù họ đánh giá rằng mối nguy hiểm sẽ bị hạn chế bởi phạm vi nới lỏng chính sách của Fed. Ngân hàng đầu tư này hiện dự báo Fed sẽ cắt giảm 0,25 điểm cơ bản vào tháng 9, tháng 11 và tháng 12.

"Tiền đề cho dự báo này là tăng trưởng việc làm của Mỹ sẽ phục hồi vào tháng 8. Ngoài ra, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đánh giá mức cắt giảm 25 điểm cơ bản là đủ để ứng phó với bất kỳ rủi ro nào", Goldman Sachs nói thêm. "Nếu chúng tôi sai và báo cáo việc làm tháng 8 yếu như tháng 7, khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản sẽ diễn ra vào tháng 9".

Các nhà phân tích tại JPMorgan thậm chí bi quan hơn, khi đưa ra xác suất 50% cho suy thoái kinh tế Mỹ trong một năm tới. "Fed có vẻ tụt hậu đáng kể, chúng tôi kỳ vọng sẽ giảm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9, sau đó là một lần cắt giảm 50 điểm cơ bản khác vào tháng 11", nhà kinh tế Michael Feroli cho biết.

Với tiền số, ngoài nỗi lo khủng hoảng, thị trường còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác. Cuộc đua Tổng thống Mỹ đang nóng lên với sự đối đầu giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump - người có quan điểm ủng hộ tiền số và Kamala Harris - ứng viên đảng Dân chủ chưa nêu rõ lập trường. Việc các Chính phủ bán ra lượng Bitcoin bị tịch thu cũng khiến thị trường trở nên bi quan.

Minh Sơn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022