Trong báo cáo mới đây, SGI Capital - đơn vị quản lý quỹ mở The Ballad Fund - đánh giá sau "cú sốc" tâm lý tháng 4, tác động trực tiếp của chính sách thuế đối ứng của Mỹ lên thị trường chứng khoán thực tế khá hạn chế khi tỷ trọng doanh nghiệp niêm yết xuất khẩu hàng vào Mỹ rất thấp. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp này cũng không bi quan về triển vọng cạnh tranh và xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam.
"Chúng tôi tin rằng thị trường đã vượt qua cú sốc và nỗi sợ về thuế quan Mỹ để hướng sự chú ý tới các tiêu điểm tiếp theo sẽ xảy ra trong nửa cuối năm như triển vọng nâng hạng và sự lan tỏa, tăng tốc của tăng trưởng", công ty quản lý quỹ này nhận định.
Theo SGI Capital, việc sớm đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, dù là nội địa hay FDI, chủ động tính toán điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, từ đó giúp vòng quay kinh doanh và đầu tư vận hành trở lại. Đây vẫn được xem là tín hiệu tích cực dù còn nhiều chi tiết cần thương lượng cụ thể như tỷ lệ xuất xứ và chi tiết mức thuế theo ngành. Thực tế cho thấy, vốn FDI đăng ký nửa đầu năm tiếp tục đạt kỷ lục 21,52 tỷ USD và giải ngân tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 11,72 tỷ USD.
Công ty này cho rằng mức thuế quan tăng thêm (khoảng 10-15% so với trước đây) sẽ ảnh hưởng tới nhóm doanh nghiệp ít lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên về dài hạn, điều này sẽ là động lực lớn cho doanh nghiệp cơ cấu lại chuỗi giá trị các ngành hàng theo chiều sâu và đa dạng hóa thị trường.
"Nếu mức thuế áp lên các nước khác sắp tới không thấp hơn đáng kể, tác động trực tiếp của thuế quan lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ không quá lớn và được trung hòa bởi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng trong nước đang được Chính phủ quyết liệt thúc đẩy", SGI Capital nêu quan điểm.
Thực tế sau thông tin Việt Nam và Mỹ đạt thỏa thuận sớm về thuế đối ứng, chỉ duy nhất phiên 3/7, thị trường chứng khoán đi lùi, nhưng mức giảm chỉ gần 3 điểm. Ở 4 phiên gần đây, VN-Index tăng không ngừng, riêng 3 phiên đầu tuần này giữ biên độ lên tới hai chữ số. Sau khi tích lũy liên tục gần 50 điểm, chứng khoán đang ở mức trên 1.430 điểm - cao nhất kể từ giữa tháng 4/2022.
Thanh khoản cũng cải thiện đáng kể với ba phiên liên tiếp đạt trên tỷ USD. Khối ngoại cũng có 5 phiên mua ròng không ngừng với giá trị trên nghìn tỷ đồng.
SGI Capital nhận thấy dòng vốn nước ngoài đã trở lại Việt Nam "rất mạnh mẽ" trong các phiên đầu tháng 7, phần nào đồng pha với việc mua ròng tại các quốc gia ASEAN khác. Theo họ, nỗi lo sợ mức thuế cao lên hàng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ là rào cản cuối cùng của dòng vốn ngoại, đã được gỡ. Mức định giá hấp dẫn với triển vọng được FTSE nâng hạng đang ngày một rõ ràng hơn cùng với tốc độ tăng trưởng cao đang giúp Việt Nam có sức hút đặc biệt với dòng vốn ngoại sau khi bị bán ròng kỷ lục 8 tỷ USD trong suốt 4 năm qua.
Ngoài ra, sau những đợt tăng nóng của bất động sản, vàng và tiền số, chứng khoán là kênh tài sản lớn duy nhất còn lại vẫn đang "rẻ" và nằm dưới đỉnh năm 2022. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã có doanh thu và lợi nhuận vượt đỉnh của năm 2022 với triển vọng tăng trưởng tiếp tục mạnh mẽ và mức trả cổ tức tiền mặt vượt xa lợi tức cho thuê bất động sản, có thể so sánh với kênh tiền gửi.
Công ty quản lý quỹ này đánh giá thị trường đã có sự hồi phục hợp lý trong tương quan mức thuế mà Mỹ và Việt Nam đạt được thỏa thuận. Trong ngắn hạn, chứng khoán sẽ chịu áp lực chốt lời khi mức tăng trở nên quá nóng dưới tác động của dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia dự đoán mức định giá còn ở vùng hợp lý cùng với nhiều lực đẩy cả ngắn, trung và dài hạn sẽ giúp thị trường duy trì xu hướng tăng và có cơ hội vượt lên khi chính thức được nâng hạng vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2026.
Sau khi VN-Index vượt mốc 1.400 điểm, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng tâm lý thị trường đã lạc quan hơn. Nhận xét vào cuối phiên 9/7, nhóm phân tích này cho biết chỉ số chung đã vượt kỳ vọng của họ và tiếp tục mở rộng, hướng đến vùng giá quanh 1.450 điểm, tương ứng mức cao nhất kể từ tháng 7/2021. Thị trường vẫn trong xu hướng tăng trưởng và tìm kiếm cơ hội ở những mã chưa tăng nhiều, tích lũy tốt.
Còn với Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), họ ví thị trường chứng khoán "không biết mệt mỏi" khi VN-Index đã tăng điểm mạnh trong 3 phiên không ngừng. Nhóm phân tích cho rằng nến marubozu (nến cường lực) đã xuất hiện - tức báo hiệu cho xu hướng tăng tiếp diễn. Biên độ tăng điểm và thanh khoản có sự đồng pha và hỗ trợ tốt cho sức bật mà chưa xuất hiện bất cứ dấu hiệu cản trở nào đáng chú ý có khả năng tác động thay đổi xu hướng.
"Phiên tăng điểm hôm 9/7 nằm ngoài dự đoán của phần lớn giới đầu tư và khả năng cao sẽ còn tiếp diễn trong các phiên tới với xu hướng tích cực được củng cố", CSI nhận định.

Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường tại trụ sở một công ty chứng khoán ở TP HCM. Ảnh: An Khương
Tuy nhiên, nhóm phân tích này vẫn lưu ý ở thời điểm hiện tại, nếu nhà đầu tư muốn mua mới sẽ phải đối diện với rủi ro điều chỉnh khi VN-Index đã tăng nhiều kể từ mốc đáy 1.074 điểm đến nay. Do đó, CSI tiếp tục duy trì quan điểm căn bán, hiện thực hóa lợi nhuận và hạ tỷ trọng mạnh hơn khi thị trường bước vào vùng giá 1.424-1.436 điểm. Các chuyên gia gợi ý, nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục vào thời điểm biến động lên tới 80%.
Tương tự, SHS cho rằng hiện tại không phải là vùng giá rẻ mà thiên về giao dịch ngắn hạn, kiểm soát rủi ro. Đồng thời chỉ số VN30-Index đang tiến sát vùng giá cao nhất năm 2021-2022, đều là các mức đỉnh lịch sử. Nhà đầu tư nên theo dõi các áp lực bán giá cao, xem xét thực hiện hóa từng phần lợi nhuận nếu có hoặc xem xét các vị thế phòng ngừa rủi ro trên thị trường phái sinh tại vùng đỉnh lịch sử của VN30.
Nhóm phân tích này giữ lời khuyên đã đưa ra suốt thời gian qua: "Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý, hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, dẫn đầu trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế".
Tất Đạt