Chiều 16/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đồng chủ trì Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan với chủ đề "Một cộng một trên ba kết nối". Sự kiện có sự tham gia của các lãnh đạo bộ ngành, địa phương, cùng hàng trăm đại diện doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra đánh giá Thái Lan và Việt Nam là những nền kinh tế lớn nhất trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, đồng thời là động lực chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của ASEAN.
Bà cho rằng hai bên cần hợp tác hơn nữa để ứng phó với tình hình bất ổn của kinh tế và chính trị toàn cầu. Theo bà, việc hai nước vừa thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện đánh dấu một kỷ nguyên mới trong quan hệ, trọng tâm là thúc đẩy chuỗi giá trị kinh tế, tận dụng tối đa sức mạnh, tiềm năng, lợi thế của mỗi bên.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra phát biểu tại diễn đàn, ngày 16/5. Ảnh: VGP
Cùng quan điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, định đoán và nhiều vấn đề mà không nước nào giải quyết được một mình. Do đó, hai nước Việt Nam - Thái Lan và các nước ASEAN phải tăng đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, hợp tác.
"Hai nước đã hợp tác tốt rồi, phải tốt hơn, mang lại hiệu quả thiết thực hơn", Thủ tướng nói.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Thái Lan trên thế giới và lớn thứ 2 trong ASEAN. Còn Thái Lan là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam trên thế giới và lớn nhất trong ASEAN. Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 21 tỷ USD.
"Chúng tôi muốn đạt được mục tiêu thương mại song phương 25 tỷ USD trong thời gian ngắn nhất", Thủ tướng Thái Lan chia sẻ.
Thủ tướng Thái Lan đánh giá hai nền kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nhiều doanh nghiệp tham gia vào cùng một chuỗi giá trị với hơn 50% thương mại song phương là nhập khẩu, xuất khẩu nguyên liệu thô và linh kiện hỗ trợ các ngành sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do đó, tăng trưởng kinh tế của nước này là cơ hội của nước kia.
Theo bà Paetongtarn Shinawatra, hai bên sẽ tăng kết nối chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp cùng có lợi (hóa dầu, thực phẩm, linh kiện điện tử và hậu cần), đẩy mạnh hợp tác về năng lượng tái tạo và chuyển đổi kinh tế số. Cùng với đó, Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước không chỉ giới hạn giữa các Chính phủ mà còn bao gồm khu vực tư nhân.
Kim ngạch thương mại hai chiều chiều của Việt Nam và Thái Lan năm 2024 đạt hơn 20 tỷ USD. Các nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư 767 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 15 tỷ USD, đứng thứ 9/150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngược lại, Việt Nam cũng đầu tư 22 dự án tại Thái Lan với tổng vốn gần 35 triệu USD.
Các đại biểu cũng đánh giá môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện, được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư nhìn nhận tích cực. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Bốn tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2020-2025.
Các đại biểu cho rằng quan hệ song phương giữa hai nước trở thành một hình mẫu cho hợp tác khu vực, trong đó kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là trụ cột và điểm sáng nổi bật.
Các đại biểu nhìn nhận dư địa, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn còn rất lớn. Họ đề xuất các doanh nghiệp Thái Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư dịch chuyển, tài chính xanh, bền vững và các nguồn đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và thực chất hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất tăng nghiên cứu hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, củng cố các chuỗi cung ứng, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng lực lượng lao động tay nghề cao. Hai bên dự kiến mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số - xanh - tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra với doanh nghiệp hai nước, ngày 16/5. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp Thái Lan tiếp tục tin tưởng và gắn bó với Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia. Ông nêu rõ Chính phủ bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư. Việt Nam cũng bảo đảm ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, thể chế, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư.
Cũng tại Diễn đàn, các doanh nghiệp hai nước đã trao các văn kiện hợp tác. Chẳng hạn, tập đoàn FPT và Sunline thống nhất thúc đẩy chuyển đổi số ngành tài chính và bán lẻ Thái Lan, tập trung vào các giải pháp ngân hàng lõi, ngân hàng số và cho vay số. Trước đó, FPT cũng ký kết hợp tác với Buzzebees - nền tảng hàng đầu về quản trị trải nghiệm khách hàng - để cùng phát triển các giải pháp số toàn diện trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh, bán lẻ, tài chính và viễn thông.
Vietjet và Boeing cũng trao thoả thuận hợp tác với Vietjet Thái Lan về việc chuyển giao 50 tàu bay Boeing 737 tại Thái Lan. Tập đoàn Cao su Việt Nam và Tập đoàn Amata trao biên bản ghi nhớ về phát triển Khu Công nghiệp Đồng Nai.
Phương Dung