Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/2 cho biết sẽ công bố áp thuế nhập khẩu 25% với toàn bộ nhôm, thép vào Mỹ. Hiện nước này có hàng loạt nhà cung cấp lớn, dự kiến cũng sẽ là phía bị ảnh hưởng bởi chính sách mới.
Ngành công nghiệp luyện nhôm của Mỹ khá nhỏ, chỉ chiếm 1,73% tổng công suất toàn cầu. Do đó, họ phụ thuộc đến một nửa sản lượng tiêu thụ hàng năm từ nhập khẩu. Nhà cung cấp chủ lực là Canada, với 3,2 triệu tấn vào 2024, gấp đôi 9 quốc gia tiếp theo cộng lại, mang về 9,5 tỷ USD.
"Quebec xuất khẩu 2,9 triệu tấn nhôm sang Mỹ, tức là chiếm 60% nhu cầu của họ. Mỹ thích lấy nguồn cung từ Trung Quốc hơn sao?", Thủ hiến Quebec Francois Legault bình luận. Trung Quốc là nhà cung cấp nhôm lớn thứ ba của Mỹ về sản lượng, đạt 222.872 tấn và thứ 5 về kim ngạch với hơn 500 triệu USD năm ngoái.
Trong khi, Viện Sắt thép Mỹ (AISI) cho biết 23% tổng lượng thép được sử dụng tại Mỹ năm qua có nguồn gốc nước ngoài, đạt 28,8 triệu tấn, tăng 2,5% so với 2023. Nguyên liệu này rất quan trọng đối với các ngành hàng không vũ trụ, ôtô và năng lượng, từ các dự án khoan dầu đến điện gió. Phần lớn thép Mỹ nhập khẩu đến từ Canada, Brazil và Mexico.
Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu thép lớn nhất thế giới nhưng sản lượng bán sang Mỹ rất ít. Thuế quan 25% được áp dụng vào năm 2018 đã ngăn cản khả năng tiếp cận của phần lớn thép nước này. Tổng cộng, chỉ 508.000 tấn thép xuất sang năm ngoái, chỉ chiếm 1,8% tổng nhập khẩu nước này.
Tuy nhiên, họ có tác động gián tiếp. Công suất các nhà máy thép tại Mỹ từng tăng lên trên 80% vào năm 2019, sau khi ông Trump áp thuế ban đầu. Nhưng sau đó, công suất lại đi xuống do sự thống trị toàn cầu của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất thép đã đẩy giá nguyên liệu toàn cầu này đi xuống.
Haru Chanana, chiến lược gia đầu tư tại Saxo (Singapore), cho rằng khi Trung Quốc không còn là nhà cung cấp thép đáng kể cho Mỹ kể từ 2018 thì đợt thuế mới sắp tới sẽ tác động rõ rệt hơn với Canada, Mexico, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Brazil.
Bộ trưởng Đổi mới Canada Francois-Philippe Champagne cho biết thép và nhôm của Canada hỗ trợ các ngành công nghiệp chính tại Mỹ từ quốc phòng, đóng tàu đến ôtô. "Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ Canada, người lao động và các ngành công nghiệp của mình", ông tuyên bố.
Câu hỏi đặt ra lúc này là Mỹ sẽ giải quyết vấn đề hạn ngạch miễn thuế nhập khẩu thép và nhôm thế nào. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng áp thuế 25% đối với thép và 10% với nhôm, nhưng sau đó miễn cho một số đối tác thương mại gồm Canada, Mexico và Brazil.
Đến nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã đàm phán các thỏa thuận hạn ngạch miễn thuế với Anh, Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Vì vậy, chưa rõ số phận của các miễn trừ và thỏa thuận hạn ngạch này sẽ ra sao.
Thủ hiến Quebec Francois Legault cho rằng Canada phải bắt đầu đàm phán lại hiệp định thương mại tự do với Mỹ càng sớm càng tốt và không nên đợi đến đợt rà soát dự kiến vào 2026. "Chúng ta phải chấm dứt tình trạng bất ổn này", ông nói.
Bloomberg cho hay Hàn Quốc bắt đầu tìm kiếm thêm các thị trường mới. Mỹ vẫn là thị trường mang lại kim ngạch lớn nhất cho thép nước này, dù sản lượng hiện chỉ bằng 70% mức trung bình giai đoạn 2015-2017, trước khi Trump phát động thương chiến trong nhiệm kỳ đầu. Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
![2019-08-16T050114Z-1698654862-2220-8948-1739182196.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bhoaLF0uX1Kw-27B1OpAtA](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/10/2019-08-16T050114Z-1698654862-2220-8948-1739182196.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bhoaLF0uX1Kw-27B1OpAtA)
Một công nhân đi ngang qua các cuộn thép tại nhà máy ở Trường Thọ, Trùng Khánh, Trung Quốc ngày 6/8/2018. Ảnh: Reuters
Vasu Menon, Giám đốc chiến lược đầu tư OCBC (Singapore), nói chưa rõ mức thuế lên thép và nhôm của Tổng thống Trump có phải là chiến lược đàm phán mà ông có thể cân nhắc lại hay không. "Xét cho cùng, nếu được thực hiện, nó cũng sẽ gây tổn hại cho Mỹ do nước này phụ thuộc vào thép và nhôm nhập khẩu từ Canada và Mexico", ông nhận định.
Chiến lược gia hàng hóa cấp cao của ANZ Australia Daniel Hynes cho rằng các nhà sản xuất Mỹ sẽ phải chịu cho phí đầu vào cao hơn do mức thuế 25% lên nhôm, thép. Bởi lẽ, mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu của họ cao, khoảng 40-45% với nhôm và 12-15% với thép.
Tuy nhiên, Tomo Kinoshita, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco Aset Management Japan, cho rằng tác động tổng thể đến nền kinh tế Mỹ không lớn. Hàng năm, nước này chi hơn 100 tỷ USD cho nhập thép và nhôm. Mức thuế 25% nghĩa là chi phí phát sinh thêm khoảng 25 tỷ USD, bé hơn 0,1% GDP Mỹ.
"Tác động lạm phát đối với nền kinh tế dự kiến xuất hiện chậm và sẽ khá hạn chế", ông nhận định.
Phiên An (theo Reuters, Bloomberg)