Ngày 10/2, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu 25% lên toàn bộ nhôm, thép vào Mỹ. Mục tiêu của ông là bảo vệ ngành công nghệ trong nước khỏi đối thủ nước ngoài, đồng thời kéo việc làm và doanh nghiệp bên ngoài về nước. Thuế này sẽ áp dụng với Mexico và Canada - hai quốc gia tuần trước mới được hoãn áp thuế 25% với toàn bộ hàng vào Mỹ.

Theo giới phân tích, các hãng sản xuất nhôm, thép Mỹ là những bên hưởng lợi từ thuế nhập khẩu mới này. Thuế nhập khẩu sẽ khiến hàng nước ngoài vào Mỹ đắt đỏ hơn. Điều này đồng nghĩa các công ty trong nước cung cấp nhôm, thép có cơ hội vượt lên đối thủ ngoại, khi giá thép từ Canada, Brazil hay Mexico tăng đáng kể.

Cổ phiếu các hãng thép đã tăng mạnh trong phiên giao dịch 10/2. Nucor và Steel Dynamics tăng 5,5% và 4,9%. Cleveland-Cliffs thêm 18%. US Steel lên gần 5%. Cổ phiếu hãng nhôm Alcoa cao hơn 2%.

Philip Bell - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất thép Mỹ cho biết thuế nhập khẩu sẽ "cào bằng sân chơi" cho các công ty nội. Ông bác bỏ chỉ trích rằng chính sách thuế này chỉ làm tăng chi phí và không tạo ra lượng lớn việc làm cho ngành sản xuất.

"Khi áp thuế nhập khẩu trên các lĩnh vực, tác động ngắn hạn là không tránh khỏi. Nhưng chính sách tập trung vào một số mặt hàng như nhôm thép, thì cần một thời gian nữa mới thấy rõ tác động dài hạn lên việc làm, giá cả", ông nói.

us-steel-1739248498-9533-1739248777.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OWiGGMwXyaD5cykVqJ8nww

Nhà máy thép của US Steel tại Braddock, Pennsylvania (Mỹ). Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, Bell khẳng định mỗi việc làm được tạo ra trong ngành thép sẽ tạo thêm cơ hội mới cho các nhà thầu phụ, công nhân xây dựng, kỹ sư và thậm chí xe đồ ăn - loại thường đỗ ngoài các nhà máy thép để bán đồ ăn sáng hoặc trưa.

Trong khi đó, David McCall - Chủ tịch Hiệp hội Công nhân thép Mỹ lại cho rằng nước này cần phân biệt giữa "đối tác thương mại đáng tin cậy, như Canada, và các nước đang tìm cách lấn lướt Mỹ để thống trị thị trường toàn cầu".

"Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm kiềm chế dư cung toàn cầu. Tình trạng này lâu nay đã cho phép các nước như Trung Quốc nhấn chìm thị trường bằng sản phẩm giá rẻ, khiến hàng nhập vào Mỹ qua Mexico tăng vọt. Dù vậy, Canada không phải là vấn đề của chúng ta", ông nói.

steel-coil-1739248616-5610-1739248777.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6UEzHGa4_wE7y2sHu7_aGw

Thép cuộn trong một nhà máy của Thyssenkrupp ở Đức. Ảnh: Reuters

Nhưng người tiêu dùng, các hãng sản xuất tại Mỹ lại có thể chịu thiệt. Nhôm thép được sử dụng phổ biến trong nhiều sản phẩm. Điều này đồng nghĩa thuế nhập khẩu tăng sẽ kéo giá sản phẩm lên cao. Ví dụ, thuế 25% áp lên loại thép sử dụng trong xe hơi giá 40.000 USD, sẽ làm giá ôtô tăng 1-2%.

Các kim loại này còn được dùng trong điện thoại di động, gậy bóng chày, nồi, chảo, kính viễn vọng và nhiều đồ nội thất ngoài trời. Thậm chí, vỏ lon soda cũng có thể chịu ảnh hưởng, Bank of America cho biết trong báo cáo đầu tháng này.

Dù vậy, hiện chưa rõ sẽ mất bao lâu để người tiêu dùng cảm nhận được tác động, và nó lớn đến mức nào. Vì việc này còn phụ thuộc vào lượng nhôm thép sử dụng trong sản phẩm, Lydia Cox - GS kinh tế tại Đại học Wisconsin-Madison nhận định.

Bên cạnh đó, nó cũng tùy thuộc quyết định của doanh nghiệp, rằng có nên chuyển hết mức tăng giá cho người tiêu dùng hay không. Nếu chuyển hết, giá sản phẩm sẽ tăng khá cao, Cox nhận định.

Dù vậy, bên chịu trận đầu tiên là các doanh nghiệp và hãng sản xuất mua sỉ nhôm thép. "Việc này không như tôi hay bạn ra siêu thị mua một miếng thép đâu", Douglas Irwin - Giáo sư kinh tế tại Cao đẳng Dartmouth nhận định.

Năm 2018, ông Trump từng áp thuế 25% lên thép và 10% nhôm nhập khẩu. Nhưng sau đó, ông miễn thuế với một số đối tác thương mại, gồm Canada, Mexico và Brazil. Theo một báo cáo cùng năm của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, chính sách này đã tạo thêm việc làm, nhưng gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp Mỹ mua thép nước ngoài.

Cụ thể, chính sách của ông Trump đã tạo thêm 8.700 việc làm mới và 2,4 tỷ USD lợi nhuận trước thuế cho các hãng thép. Tuy nhiên, các công ty mua mặt hàng này lại tốn thêm 5,6 tỷ USD, đồng nghĩa kinh tế Mỹ tốn thêm 650.000 USD cho mỗi việc làm được tạo ra trong ngành.

Lần này, Gary Hufbauer - nhà phân tích cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson dự báo chính sách mới không tạo thêm nhiều việc làm như lần đầu. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại leo thang "chắc chắn kéo theo việc các nước trả đũa lên sản phầm và doanh nghiệp Mỹ", ông nói.

Ví dụ, các công ty như John Deere, Caterpillar và Boeing chịu ảnh hưởng vì sản phẩm dùng nhiều nhôm và thép. Việc sửa chữa cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp xây dựng và chính quyền địa phương cũng đắt đỏ hơn.

Glenn Stevens Jr. - Giám đốc MichAuto (Michigan) cho rằng các hãng xe khó hấp thụ được tác động tổng hợp khi thuế nhập khẩu nhôm thép từ Canada và Mexico cùng tăng. "Giá xe vốn đã cao rồi, giờ lại lên cao nữa sẽ khiến nhu cầu sụt giảm", ông nói. Việc này có thể dẫn đến giảm sản xuất và mất việc làm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Mỹ bán sản phẩm ra nước ngoài cũng có thể chịu tác động từ thuế nhập khẩu của ông Trump, nếu các nước khác trả đũa, Irwin nói. Ông lấy ví dụ trong nhiệm kỳ đầu của Trump, căng thẳng thương mại khiến xuất khẩu nông sản của Mỹ gặp khó. Các nước có thể dễ dàng tìm nguồn lúa mỳ, đậu nành và nhiều nông sản khác thay cho Mỹ.

"Nguồn thu tăng lên rồi sẽ phải chi cho việc hỗ trợ những người bị ảnh hưởng từ việc trả đũa", Michael Klein - giáo sư kinh tế tại Đại học Tufts nhận định.

Theo Hiệp hội Sắt Thép Mỹ, nước này nhập khẩu thép nhiều nhất từ Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam. Với nhôm, Canada đóng góp tới 79% nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm ngoái. Mexico cũng là nước cung cấp nhôm lớn cho Washington.

Giới phân tích đánh giá Canada và Mexico có thể là hai nước thiệt hại nhất vì thuế nhập khẩu mới, đặc biệt trước đây họ được xét ngoại lệ khi ông Trump áp thuế nhôm thép từ nhiệm kỳ đầu. Thủ hiến Quebec Francois Legault cho rằng Canada phải bắt đầu đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do với Mỹ càng sớm càng tốt và không nên đợi đến đợt rà soát dự kiến vào 2026.

Trong khi đó, Thyssenkrupp (Đức) - một trong các hãng thép lớn nhất châu Âu - cho rằng thuế nhập khẩu "sẽ có tác động rất hạn chế" đến kinh doanh của họ. Công ty này giải thích châu Âu vẫn là thị trường chính của họ và "các sản phẩm ngách chất lượng cao của Thyssenkrupp xuất sang Mỹ vẫn có vị thế tốt".

Với Hàn Quốc, Bloomberg cho biết quốc gia này đã bắt đầu tìm kiếm thêm các thị trường mới. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất cho thép nước này, dù sản lượng hiện chỉ bằng 70% mức trung bình giai đoạn 2015-2017, trước khi ông Trump phát động thương chiến trong nhiệm kỳ đầu.

Hà Thu (theo CNBC, Washington Post, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022