Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các nhà băng tiếp tục giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay. Dòng tín dụng tới đây ngoài hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cần ưu tiên khắc phục thiệt hại vì bão lũ.

Ngành ngân hàng được giao nghiên cứu nâng quy mô gói tín dụng ưu đãi với lâm, thủy sản lên khoảng 50.000-60.000 tỷ đồng, tức gấp đôi hiện nay (30.000 tỷ đồng). Cùng đó, cơ quan này phải có giải pháp gỡ vướng cho gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Siêu bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm, đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ sáng 7/9, khiến gần 13.000 hộ dân tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình phải sơ tán khẩn cấp. Cơn bão đã gây thiệt hại nặng nề cho cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy hải sản.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, khoảng 1.500 lồng bè nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và các tỉnh thành bị hư hỏng, cuốn trôi, gây thiệt hại nặng cho bà con ngư dân.

1-5-1-1726035658-9294-17261444-8803-6851-1726376161.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZeGi1dpCz-RBy3QMg8DUJQ

Gia đình ông Phạm Văn Dương, ở Vân Đồn đang vớt những con cá chết bỏ đi và gom lại cá sống, hôm 10/9. Ảnh: Phan Dương

Riêng tại Vân Đồn, Quảng Ninh, theo ước tính của chính quyền địa phương khoảng 318 nhà bè, gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ... thiệt hại lên tới 2.200 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm là thời điểm thu hoạch hàu và cá của ngư dân, nhưng cơn bão quét sạch thành quả lao động bao năm, đẩy nhiều gia đình vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Tại họp báo hôm 7/9, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết gói tín dụng cho vay với lĩnh vực xuất khẩu thủy hải sản hiện giải ngân được 36.000 tỷ đồng, vượt mục tiêu so với quy mô là 30.000 tỷ đồng. Ngoài tăng quy mô nguồn vốn, trước đó, cơ quan này cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại khoanh, giãn nợ, giảm lãi cho các khoản vay, gồm lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản.

Cũng tại Nghị quyết, Chính phủ cho biết năm nay đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5%, tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%. Để đạt mục tiêu, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiết kiệm chi, giảm thêm 5% dự toán chi thường xuyên. Cơ quan này được giao điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hài hòa với chính sách tiền tệ. Họ cũng phải bảo đảm nguồn dự phòng cho chi phòng, chống thiên tai, trả lương, an sinh xã hội.

Bộ Công Thương có giải pháp ổn định cung cầu các mặt hàng, nhất là lương, thực phẩm, năng lượng và các hàng hóa thiết yếu, "không để thiếu điện, xăng dầu trong mọi tình huống".

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, không để xảy ra thiếu lương, thực phẩm vào cuối năm. Ngoài ra, các bộ ngành phải tăng giải ngân vốn đầu tư công, đẩy tiến độ thi công các công trình, dự án quan trọng có tính liên tỉnh, vùng, kết nối quốc gia và khu vực.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022