"Chúng tôi muốn một sân chơi sòng phẳng. Hệ thống thuế nhập khẩu đối ứng sẽ mang lại sự công bằng", ông cho biết trong cuộc họp báo trước thềm cuộc họp với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi. Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu với hàng hóa các nước tương đương mức họ hiện áp với hàng hóa Mỹ.

Tổng thống Mỹ gợi ý các nước giảm thuế nhập khẩu hoặc loại bỏ hoàn toàn thuế này. Các nước có áp dụng hệ thống thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng bị coi là áp thuế nhập khẩu, và việc chuyển hàng sang nước thứ 3 để né thuế sẽ không được chấp nhận. Ông ví dụ châu Âu áp dụng VAT tới 20%, khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ, như Apple, chịu thiệt hại.

Quan chức Nhà Trắng cho biết thuế nhập khẩu đối ứng còn nhằm giải quyết cả các rào cản phi thuế quan, như VAT, trợ cấp của chính phủ và các chính sách về tỷ giá cản trở dòng chảy của hàng hóa Mỹ ra nước ngoài.

Trump-order-1739475044-8196-1739475250.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qab0TtjwUA6EaAwVPwhwKg

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh ngày 13/2. Ảnh: Reuters

Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ sau đó sẽ nộp báo cáo chi tiết về hướng xử lý với từng quốc gia có quan hệ ngoại thương với Mỹ. Howard Lutnick - người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Thương mại Mỹ - khẳng định việc nghiên cứu sẽ được hoàn tất trước ngày 1/4. Họ sẽ xem xét trước các trường hợp có thặng dư thương mại lớn nhất và áp dụng thuế nhập khẩu cao nhất với Mỹ.

Quan chức Nhà Trắng cho biết thuế nhập khẩu đối ứng sẽ không có hiệu lực ngay. Có thể phải vài tuần hoặc vài tháng sau mới được áp dụng. Động thái này nhằm cho phép các quốc gia có thời gian đàm phán các điều khoản thương mại mới với Mỹ.

Ông Trump cũng tuyên bố sẽ sớm áp thuế nhập khẩu riêng với ôtô vào Mỹ.

Kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối ứng đã được ông công bố từ cuối tuần trước. Khi đó, ông Trump khẳng định việc này sẽ giúp Mỹ "được đối xử công bằng như các nước khác". Tổng thống Mỹ từ lâu đã phàn nàn về việc Liên minh châu Âu (EU) áp thuế 10% với xe hơi nhập khẩu. Trong khi đó, mức này ở Mỹ chỉ là 2,5%. Ông thường xuyên chỉ trích châu Âu "không mua xe Mỹ" nhưng xuất khẩu hàng triệu chiếc vào Mỹ mỗi năm.

Trong các cuộc điều trần gần đây, Lutnick bày tỏ lo ngại về thuế nhập khẩu cao của Ấn Độ. Jamieson Greer - người được ông Trump đề cử vào chức Đại diện Thương mại Mỹ thì phàn nàn về thuế nhập khẩu và rào cản thương mại của Brazil.

Nguồn tin của Reuters cho biết việc cấu trúc loại thuế này là một thách thức với các quan chức chính quyền Trump. Vì họ sẽ phải rà soát thuế hiện áp dụng với hàng nghìn sản phẩm của gần 190 quốc gia. Đó là lý do ông Trump chưa thể công bố thuế nhập khẩu đối ứng ngay đầu tuần như tuyên bố trước đó.

Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang vài tuần qua, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/2 ký sắc lệnh áp thuế 25% với hàng hóa Canada, Mexico và 10% với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 3/2, ông thông báo hoãn áp thuế nhập khẩu với Mexico và Canada, sau khi đạt thỏa thuận siết hoạt động buôn lậu và nhập cư với hai nước này.

Thuế nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc vẫn có hiệu lực từ ngày 4/2. Ngay lập tức, Trung Quốc áp thuế trả đũa với mức 10-15%. Nước này cũng điều tra chống độc quyền với Google, siết xuất khẩu hàng loạt kim loại quan trọng và đưa hai công ty Mỹ vào danh sách đen.

Đầu tuần này, ông Trump cũng thông báo áp thuế 25% lên toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ.

Hà Thu (theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022