Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ ngừng đúc xu mới.

"Suốt thời gian dài, Mỹ đã đúc xu 1 cent với giá hơn 2 cent. Việc này quá lãng phí. Tôi đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính dừng việc sản xuất xu mới. Hãy loại bỏ sự lãng phí ra khỏi ngân sách của chúng ta, dù chỉ là 1 cent", ông viết trên trang cá nhân.

Theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), có khoảng 114 tỷ đồng penny đang được sử dụng, trị giá 1,14 tỷ USD, tương đương 0,006% giá trị nội tệ Mỹ đang lưu thông. Mỗi năm, chính phủ Mỹ tốn 192 triệu USD đúc xu 1 cent mới, tương đương 4% ngân sách của Sở đúc tiền Mỹ. Vì vậy, các nhà kinh tế học cho rằng đồng xu này có thể loại bỏ khỏi hệ thống tiền tệ Mỹ.

David Gulley - giáo sư kinh tế tại Đại học Bentley cho biết chi phí ước tính để sản xuất một đồng penny là 3 cent. "Đây là một gánh nặng kinh tế, vì hàng triệu đồng biến mất khỏi lưu thông mỗi năm, khiến Sở đúc tiền Mỹ phải sản xuất thay thế", ông giải thích.

Dù vậy, việc loại bỏ xu 1 cent có thể làm thay đổi giá cả nhiều mặt hàng nhỏ. "Giá sẽ phải làm tròn đến 5 cent gần nhất, để thanh toán tiền mặt và trả tiền thừa. Tức là các suất ăn nhanh 6,99 USD sẽ không còn nữa", Gulley nói. Dù vậy, hiện chưa rõ liệu các doanh nghiệp muốn làm tròn lên hay xuống.

penny-AP-1739266860-9256-1739267162.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lJqOTErmhMNqqfkuA0zpYg

Các đồng xu 1 cent của Mỹ sẽ bị ngừng đúc mới. Ảnh: AP

Việc định giá này có thể ảnh hưởng đến lạm phát, dù rất nhỏ. "Doanh nghiệp có xu hướng làm tròn lên, khiến lạm phát nhích lên", David Smith - Giáo sư kinh tế tại Đại học Pepperdine cho biết. Dù vậy, ông nói rằng các nghiên cứu cũng chỉ ra việc làm tròn giá sẽ không làm tăng lạm phát đáng kể.

Canada cũng loại bỏ đồng 1 cent năm 2013. Nghiên cứu năm 2017 của nhà kinh tế học người Canada Christina Cheung cho thấy việc làm tròn tiền khi mua đồ tạp hóa đã giúp các cửa hàng có thêm 157 đôla Canada một năm. Điều này đồng nghĩa tác động lên người tiêu dùng gần như không đáng kể.

Việc loại bỏ đồng 1 cent cũng chỉ ảnh hưởng đến người dùng tiền mặt. Năm 2015, khoảng một phần ba giao dịch tại Mỹ là bằng tiền mặt. Nhưng hiện tại, tỷ lệ này đã về dưới 20% và có xu hướng giảm tiếp, Gulley cho biết.

Gates Little - CEO Southern Bank cũng cho rằng ngành dịch vụ tài chính sẽ không cần đến xu 1 cent. "Loại bỏ đồng tiền này sẽ không tạo ra bất kỳ thay đổi nào trong nền kinh tế. Tôi không nghĩ việc này có thể ảnh hưởng đâu", ông nói.

Dù vậy, những người có mức sống thấp có thể cảm nhận ảnh hưởng này rõ nhất. "Họ không có tài khoản ngân hàng, hoặc không được tiếp cận thẻ thanh toán, ví điện tử", Ajay Patel – Giáo sư Tài chính tại Đại học Wake Forest cho biết.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump chỉ ra lệnh ngừng đúc xu mới, chứ không rút xu 1 cent khỏi lưu thông. Vì thế, mọi người vẫn có thể sử dụng cho đến khi đồng penny được hút hết về hệ thống ngân hàng. Ông dự báo phải hàng thập kỷ nữa, đồng penny mới biến mất hoàn toàn.

Little thì cho rằng trong dài hạn, quá trình này có thể sẽ giúp các đồng xu còn lại khan hiếm hơn và tăng giá trị. Có rất nhiều xu 1 cent đang bị bỏ quên trong lợn đất, ngăn kéo hoặc dưới ghế ôtô.

Laura Maike - người dân tại Amish (bang Ohio) cho biết ở đây, họ vẫn sử dụng đồng penny thường xuyên. Vì thế, các giao dịch chỉ bằng tiền mặt sẽ trở nên khó khăn hơn. Dù vậy, bà cũng lạc quan rằng trong tương lai, các đồng xu này sẽ tăng giá. "20 năm trước, tôi đã để một đồng xu vào hộp trang sức, vì tôi biết rằng nó sẽ ngày càng khó kiếm", bà nói.

Smith cho rằng việc loại bỏ xu 1 cent còn có nhiều lợi ích khác. "Ngoài tiết kiệm hàng triệu USD ngân sách mỗi năm, việc này còn giúp bảo vệ môi trường nữa. Giảm khai thác đồng và kẽm để đúc xu sẽ có tác động tích cực lên môi trường", ông nói.

Sau xu 1 cent, xu 5 cent (penny) cũng đang trở thành tâm điểm chú ý. Nate Throckmorton - Giáo sư kinh tế tại William & Mary cho biết mỗi đồng penny tốn 3 cent để sản xuất, nhưng đồng nickel tốn tới 11 cent. "Đã đến lúc chúng ta lo lắng cho số phận đồng nickel rồi", ông nói.

Hà Thu (theo CNBC, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022