Chính phủ Đức hôm 9/10 điều chỉnh dự báo GDP 2024 từ tăng 0,3% xuống giảm 0,2%, phù hợp với nhận định của giới chuyên gia. Như vậy, nền kinh tế lớn nhất châu Âu có khả năng đi lùi 2 năm liên tiếp, sau năm ngoái giảm 0,3%.

Lần gần nhất kinh tế Đức suy giảm 2 năm liên tiếp là vào 2002, 2003, khi chính phủ triển khai loạt cải cách phúc lợi xã hội. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nếu kịch bản lặp lại thì Đức sẽ là nền kinh tế G7 duy nhất chứng kiến GDP thu hẹp.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết kinh tế Đức đã không còn tăng trưởng mạnh kể từ 2018, do các vấn đề về cơ cấu và những thách thức toàn cầu. "Giữa các cuộc khủng hoảng, Đức và châu Âu đang bị kẹp giữa Trung Quốc và Mỹ, cần học cách khẳng định mình", ông nói.

2023-12-05T132251Z-1511859268-7956-3386-1728549727.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FxfXaEtEVvIyuaiKWDhw8w

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ôtô ở Munich, Đức ngày 5/12/2023. Ảnh: Reuters

Theo ông Robert Habeck, sức mạnh của mô hình kinh tế Đức dựa trên hai trụ cột: năng lượng giá rẻ từ Nga để phục vụ ngành công nghiệp và xuất khẩu. Tuy nhiên, nhu cầu yếu và căng thẳng địa chính trị khiến xuất khẩu giảm 0,3% vào năm ngoái. Các dữ liệu mới nhất cũng dự báo lĩnh vực này sẽ không phục hồi trong những tháng tới.

"Một nửa tăng trưởng của Đức luôn đến từ xuất khẩu và nếu nhìn vào những gì diễn ra trên thế giới thì phải nói rằng trụ cột này đang bị tấn công", ông nêu. Chính phủ dự kiến xuất khẩu sẽ giảm tiếp 0,1% năm nay, trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi chiến lược tích cực xuất khẩu.

Ông Habeck nói chính phủ đã giải quyết nhiều vấn đề trong nước như đảm bảo nguồn cung năng lượng, đẩy nhanh các thủ tục hành chính và cố gắng giải quyết tình trạng thiếu lao động tay nghề cao.

Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức Martin Wansleben cho rằng các biện pháp này cần được thực hiện nhanh hơn nữa và có thêm cải cách để khuyến khích đầu tư. Theo ông, GDP nước này hiện chỉ cao hơn nửa điểm phần trăm so với trước đại dịch. "Chưa từng có giai đoạn suy yếu kéo dài nào như vậy trong nền kinh tế Đức", ông nói.

Để giải quyết các thách thức mang tính chu kỳ và cơ cấu, chính phủ Đức đề ra gói tăng trưởng gồm 49 biện pháp. "Nếu chúng được thực hiện, nền kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn và nhiều người quay lại làm việc", ông Habeck nói.

Tuy nhiên, kế hoạch phải được quốc hội phê duyệt vào cuối năm nay, nghĩa là chính phủ liên minh 3 đảng của Thủ tướng Olaf Scholz cần phiếu bầu từ những người bảo thủ đối lập ở thượng viện, đại diện cho 16 bang của Đức.

Thách thức là ủng hộ của người dân dành cho liên minh chính phủ đang giảm do các cuộc đấu đá nội bộ liên tục. Phe đối lập trung hữu dẫn đầu các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử quốc gia dự kiến diễn ra vào tháng 9/2025. Đảng cực hữu Giải pháp thay thế cho nước Đức cũng đã thể hiện sự mạnh mẽ trong các cuộc bầu cử cấp bang và nghị viện châu Âu gần đây.

Chính phủ Đức dự báo tăng trưởng sẽ quay lại vào 2025, đạt 1,1%, chủ yếu nhờ tiêu dùng cá nhân cao hơn khi lạm phát giảm. Cùng với đó, lãi suất đang giảm và tiền lương dự báo tăng trung bình 5,4% năm nay và 3,5% vào năm tới. "Điều này có nghĩa là người dân sẽ có nhiều tiền hơn và số tiền này sẽ dần dần dẫn đến sức mua cao hơn, tiêu dùng nhiều hơn và đầu tư cao hơn", ông Habeck cho biết.

Phiên An (theo AP, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022