Theo chương trình, ngày 11-12/11, ba Bộ trưởng, trưởng ngành gồm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại kỳ họp 8.

Từ 8h đến 14h25 ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn về điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động. Bà Hồng cũng làm rõ việc quản lý thị trường vàng, ngoại hối; hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thiên tai.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng "chia lửa" với Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

TOP-4-8976-1731253947.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FJgPb6NfVAKrGitKj_ZNTg

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng (trái) và Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cùng đăng đàn trả lời chất vấn ngày 11/11. Đồ họa: Hoàng Khánh

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội phục vụ phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết từ 19/4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng 354.100 lượng vàng miếng, tương đương 13 tấn vàng ra thị trường.

Cơ quan này đánh giá thị trường vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, tiềm ẩn rủi ro tác động đến tiền tệ, ngoại hối. Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Nhà nước, không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước và thế giới.

Thời gian tới, nhà chức trách sẽ cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp để ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định các đề xuất sửa, bổ sung Nghị định 24 quản lý thị trường vàng sẽ phù hợp với thực tế, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế và không để biến động giá ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

QH-toan-canh-3-4857-1731239417.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HuUEhFKQpO3ZpSIrGfk-gw

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Giang Huy

Liên quan tới lãi suất, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đến ngày 20/10, lãi vay giảm 0,76% một năm so với cuối 2023. Trước đó, năm ngoái mặt bằng lãi suất đã hạ hơn 2,5% một năm so với 2022. Tính tới hết tháng 10, tăng trưởng tín dụng đạt trên 10% so với cuối năm ngoái.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua và tới đây vẫn nhiều áp lực. Việc giảm tiếp lãi suất sẽ rất khó khăn, theo bà Hồng. Bởi nhu cầu vốn tín dụng có xu hướng tăng, gây áp lực lên mặt bằng lãi suất. Cùng với đó, sức ép cung ứng vốn của hệ thống các ngân hàng với nền kinh tế còn lớn, trong khi hấp thụ vốn từ người dân, doanh nghiệp thấp.

Với những khó khăn này, bà Hồng cho hay các tổ chức quốc tế như IMF, WB đều nhận định dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện rất hạn hẹp. Họ khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng dư địa tài khóa còn nhiều để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này tiếp tục bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, chặt chẽ với tài khóa để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Cơ quan này cũng tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm chi phí, để hạ mặt bằng lãi suất cho vay.

Chiều nay, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan sẽ trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai. Bà Lan sẽ làm rõ việc huy động, bố trí lực lượng, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng chống dịch bệnh sau thiên tai.

Bộ trưởng Y tế cũng chia sẻ thông tin về việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Phó thủ tướng Lê Thành Long; Bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng cùng tham gia giải trình vấn đề liên quan.

Anh Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022