Hệ lụy từ ống hút nhựa và giấy với môi trường
Ông Trump muốn các cơ quan liên bang ngừng sử dụng ống hút giấy để chuyển sang nhựa, nhưng thực tế hai loại này đều vướng những tranh cãi về tác động tới môi trường.
Bạn gọi một ly cà phê buổi sáng, sinh tố vào bữa trưa hay cocktail cho tối thứ sáu đều được phục vụ kèm ống hút giấy. Tuy nhiên, sau một vài lần hút, ống này mềm nhanh chóng, buộc phải bỏ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho rằng ống hút giấy thiếu hiệu quả khi ký sắc lệnh yêu cầu các cơ quan liên bang ngừng mua loại ống từ vật liệu này, để chuyển sang ống hút nhựa. Theo sắc lệnh này, ống hút giấy sử dụng các hóa chất có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người với chi phí sản xuất cao hơn nhựa.
"Tôi dùng ống hút giấy nhiều lần, chúng thường xuyên bị nát khi ngấm nước", ông nói.
Song thực tế, ống hút làm từ giấy hay nhựa đều có những tác động tới môi trường.
Với ống hút làm từ nhựa, loại này là biểu tượng của nạn ô nhiễm dù chỉ chiếm 3,7% tổng 380 triệu rác nhựa toàn cầu, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) năm 2022. Trong đại dương, lưới đánh cá là loại rác gây ô nhiễm nhựa phổ biến nhất, ước tính chiếm 46%.
Năm 2015, sau một video ghi lại quá trình cứu hộ chú rùa biển bị tắc mũi, các nhà cứu hộ đã phải dùng kìm rút ống hút nhựa ra khỏi lỗ mũi rỉ máu để cứu chú rùa này.
Ảnh cắt từ video quá trình cứu hộ rùa biển bị tắc mũi, năm 2015.
Tổ chức Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) cảnh báo ống hút và các loại rác thải nhựa khác gây nguy cơ cho động vật nếu không được xử lý đúng cách, khi nhiều loài động vật biển nhầm chúng với thức ăn. Ô nhiễm nhựa ước tính giết chết 100.000 động vật biển có vú mỗi năm.
"Ống hút nhựa trở thành biểu tượng của sự lựa chọn bởi một cá nhân có thể dễ dàng thực hiện và tạo tác động", ông Erin Simon, Phó chủ tịch phụ trách rác thải nhựa và kinh doanh tại WWF nói, thêm rằng vấn đề ô nhiễm toàn cầu vượt xa việc lựa chọn sử dụng ống hút nhựa.
Hơn nữa, về tâm lý, chúng ta quan tâm quá nhiều đến nhựa mà quên đi các tác nhân gây hại môi trường khác, như xăng. Theo tính toán của GS Shelie Miller chuyên về bền vững tại Đại học Michigan, một chuyến đi bằng ôtô với quãng đường 72,4 km thải lượng khí nhà kính tương đương việc từ bỏ dùng chai nước nhựa trong 4 năm.
"Hầu hết chúng ta lo lắng khi thải 6 pound nhựa mỗi ngày, nhưng đốt một gallon xăng lại không cần đắn đo", ông nói
Hộp ống hút nhựa (bên trái) nằm cạnh ống hút giấy được bày bán ở thành phố Cincinnati ngày 11/2/2025. Ảnh: AP
Ống hút giấy được phát minh bởi Marvin C. Stone vào năm 1888, với nguyên liệu từ giấy và sáp. Sản phẩm này chỉ được quan tâm sau làn sóng tẩy chay ống nhựa.
Dù vậy, một số nghiên cứu cho thấy ống hút giấy có nhiều vấn đề tiềm ẩn. Ví dụ, "hóa chất vĩnh cửu" – nhóm chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS) - được tìm thấy trong ống hút giấy nhiều hơn loại làm từ nhựa. PFAS có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ, gây ô nhiễm nguồn nước và là tác nhân gây một loạt vấn đề sức khỏe.
Hàm lượng PFAS cao hơn cũng được tìm thấy trong ống hút tre, dấy lên nghi ngờ về khả năng "phân hủy sinh học" của các giải pháp thay thế nhựa.
Về phát thải, năm 2020, các nhà nghiên cứu của Brazil phát hiện ống hút giấy có tác động môi trường hơn loại từ nhựa, bởi nguyên liệu sản xuất chính là cây. Nghiên cứu này chưa tính đến tác động của chúng lên sinh vật biển, môi trường mà ống bằng giấy phân hủy nhanh, trong khi nhựa để lại nguy hại lớn.
Một vấn đề khác là ống hút giấy thường không thể tái sử dụng hay tái chế. Chúng bị phân hủy khi tiếp xúc với chất lỏng, thải ra nhiều khí nhà kính hơn khi thối rữa trong bãi rác so với nhựa.
Các giải pháp thay thế khác, như ống hút thủy tinh hay thép không gỉ cũng gây ra lượng khí thải nhà kính lần lượt cao gấp 44 và 148 lần loại nhựa. Ống hút tre thải ra lượng CO2 gấp 27 lần. Tức là, một người cần sử dụng ống hút thủy tinh 23-39 lần và loại thép không gỉ 37-63 lần để trung hòa tác động môi trường phát sinh trong quá trình sản xuất và đưa loại hàng này lên kệ.
Chọn ống hút nhựa hay các loại thay thế không hề đơn giản khi cân nhắc tác động môi trường, trong bối cảnh bằng chứng khoa học còn nhiều tranh cãi. Các chuyên gia khuyên "không dùng ống hút, nếu có thể".
Bảo Bảo (theo BBC, Time)