Thông tin này được ông Ngụy Ứng Bưu, Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) nêu tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 6/11 ở TP Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).

Ông Ngụy Ứng Bưu cho biết Comac rất coi trọng thị trường Việt Nam khi nền kinh tế tại đây đang phát triển mạnh. Ông đánh giá hàng không Việt Nam cũng là một động lực với lĩnh vực này trong khu vực. Vì vậy, Comac mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam nhằm cụ thể hóa thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Tập đoàn này đã và đang cùng Vietjet trao đổi sâu về kỹ thuật nhằm tiến tới đưa máy bay Comac vào khai thác tại Việt Nam.

Hồi đầu năm nay, Comac cũng đã đem hai tàu bay C919 và ARJ21 đến sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) để tổ chức triển lãm. Đây là lần thứ hai chiếc C919 xuất hiện tại một sự kiện ở ngoài thị trường Trung Quốc. Khi đó, Chủ tịch Comac cũng khẳng định sự kiện này là bước tiến quan trọng để quốc tế hóa máy bay thương mại do nước này tự sản xuất.

img2236-1730890187718166958969-3191-5228-1730914491.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Lf91yynnri202XX9TRz_sg

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc tiếp lãnh đạo Tập đoàn Comac hôm 6/11. Ảnh: Nhật Bắc

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng thành tựu của Comac đã góp phần đa dạng hóa thị trường máy bay thương mại. Ông cũng đánh giá cao đề xuất hợp tác của Comac với Việt Nam khi đã đưa máy bay đến Vân Đồn triển lãm.

Ông hoan nghênh việc nhà sản xuất Trung Quốc tiếp tục khảo sát, nghiên cứu thị trường, hợp tác cùng các doanh nghiệp, trong đó có Vietjet. Thủ tướng đề nghị Comac hỗ trợ Vietjet về giá và các ưu đãi khác. Cùng với đó, ông Phạm Minh Chính gợi ý tập đoàn Comac nghiên cứu hợp tác, khai thác các đường bay khác tại Việt Nam, giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Trước đề nghị này, Phó tổng giám đốc Comac cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Vietjet để triển khai. Đồng thời, tập đoàn Trung Quốc mong Chính phủ Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để hợp tác giữa Vietjet và Comac trở thành một điểm sáng.

Thành lập năm 2008, Comac là doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc, chuyên nghiên cứu, phát triển máy bay thương mại với tham vọng phá vỡ thế độc quyền trong lĩnh vực này của phương Tây. Hiện tại, hai dòng máy bay của nhà sản xuất Trung Quốc đã đi vào vận hành là mẫu thân hẹp C919 và tàu phản lực khu vực ARJ21.

Trong đó, C919 là thành quả 14 năm phát triển của Comac, được Trung Quốc cấp chứng nhận cuối tháng 9/2022. Với chiều dài gần 39 m, tàu bay sức chứa tối đa 192 hành khách, tầm bay 4.075 km. Đến hết tháng 8, Comac đã nhận đặt hàng hơn 1.000 chiếc C919. Riêng 3 hãng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc đặt 100 tàu mỗi hãng.

c919-6178-1730914491.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oRGY_ylMUqeGvujRJu7GBg

Tàu bay C919 của Comac đến triển lãm tại Vân Đồn, Quảng Ninh hồi tháng 2/2024. Ảnh: Lê Tân

Còn ARJ21 là tàu bay đầu tiên được Comac tự nghiên cứu và sản xuất. Mẫu phản lực khu vực này sử dụng hai động cơ GE CF34-10A của Mỹ; các thiết bị bay, hạ cánh của Liebherr (Đức).

ARJ21 có tầm bay từ 2.225 đến 3.700 km. Tàu có thể bố trí cấu hình ghế từ 78 đến 97 chỗ. Các hãng Trung Quốc đã sử dụng máy bay phản lực này trên nhiều chặng nội địa. Theo Comac, ARJ21 đã phục vụ 13 triệu lượt hành khách. Comac giao chiếc phản lực khu vực này cho khách hàng quốc tế đầu tiên tại Indonesia năm 2022.

Anh Tú

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022