Trong dịp ra mắt tại Thành phố Huế tháng trước, Uniqlo đã hợp tác với hai họa sĩ trẻ Lê Trọng Hoàng và Lê Trang để mở bán những chiếc áo in hình nón lá bài thơ, bát bún bò hay các sản phẩm truyền thống như tranh làng Sình, trống lùng tung ....
Cửa hàng tại Huế của chuỗi thời trang Nhật Bản này là điểm bán thứ 29 tại Việt Nam nhưng đầu tiên tại miền Trung. Nói về việc chọn Huế, ông Akiyama Naoki, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam, cho rằng nơi đây trở thành thành phố trực thuộc trung ương đã khai mở tiềm năng mới về du lịch và lối sống.
Theo ông, bên cạnh người tiêu dùng địa phương, tập khách du lịch đến đây cũng rất quan trọng. Trong quý I, doanh thu từ du lịch của cố đô ước đạt hơn 2.600 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với cùng kỳ 2024. Địa phương tính rằng việc đăng cai Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 có thể mang về 10.800-11.200 tỷ đồng năm nay.
"Tín hiệu phục hồi du lịch đáng mừng cũng là yếu tố hỗ trợ chúng tôi mở rộng thị trường", ông Akiyama Naoki chia sẻ.

Khách xem bộ sưu tập áo thun in các hình ảnh đặc trưng của Huế hôm khai trương 26/3. Ảnh: Uniqlo
Tại TP HCM, chuỗi bán lẻ chocolate nội địa Alluvia dù đã có hai cửa hàng trên cùng đường Lê Lợi - một chi nhánh mặt tiền và quầy trong trung tâm thương mại phía đối diện - thương hiệu vẫn muốn xuất hiện dày hơn.
"Ngay tháng này, chúng tôi khai trương cùng lúc 3 cửa hàng, với 2 cái cũng trên đường Lê Lợi và một ở phố đi bộ Nguyễn Huệ", anh Nguyễn Hải Yến, nhà sáng lập Alluvia cho biết. Tăng độ phủ lúc này cũng vừa kịp đón dòng khách lớn đổ về tham gia các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo anh, khách du lịch chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu doanh thu.
Trước đó, vào quý I, TP HCM cũng là địa phương đón nhiều khách và doanh thu du lịch cao nhất cả nước, với 10,1 triệu lượt, đạt gần 56.700 tỷ đồng. Ngành này bùng nổ góp phần thúc đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng địa phương tăng 14,2%.
Nhưng không chỉ đầu tàu kinh tế hưởng lợi từ xu hướng đó. Thống kê cho thấy trong 10 địa phương có doanh thu du lịch cao nhất, đã có 9 nơi tăng trưởng ngành bán lẻ - dịch vụ quý I xấp xỉ từ 10% trở lên.
Thậm chí, Đà Nẵng tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đến 24%. Báo cáo quý I của hãng dịch vụ bất động sản Avison Young cho biết các trung tâm thương mại tại đây như Vincom Plaza Ngô Quyền, Lotte Mart và GO! Mall đều duy trì công suất thuê 100%.
Khối đế bán lẻ tại Indochina Riverside Towers và HAGL Lake View cũng lấp đầy trung bình 97%. "Tại các thành phố như Đà Nẵng, dù quy mô thị trường nhỏ hơn, tiềm năng tăng trưởng vẫn rất lớn nhờ du lịch hồi phục, chính quyền thúc đẩy đầu tư và nguồn cung mặt bằng chất lượng dần cải thiện", Avison Young nhận định.
Không chỉ tại các điểm đến, dòng khách du lịch di chuyển sôi động cũng tạo điều kiện cho những ý tưởng kinh doanh mới. Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thống kê mỗi năm có khoảng 53 triệu giờ hành khách ở trên tàu (chưa tính dưới ga), là thị trường đầy hứa hẹn.
Quý I, đường sắt hồi phục rõ nét, với 1.414,2 triệu lượt người được vận chuyển, tăng 17,6% so với cùng kỳ 2024. "Ngành đường sắt còn nhiều dư địa", ông nói. Tận dụng cơ hội, hôm 8/4, VNR bắt tay với TNI Group mở rộng chuỗi King Coffee tại các nhà ga trọng điểm.
Nhà sáng lập kiêm CEO TNI Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết hai bên còn phát triển thêm chuỗi WeHome Café và bán sản phẩm F&B (thực phẩm & đồ uống) trên tàu. "Chúng tôi sẽ phát triển hệ sinh thái dịch vụ tại ga, phát triển mạng lưới đại lý và hợp tác truyền thông nhằm lan tỏa hình ảnh Việt Nam ra thế giới", bà Thảo cho biết.
Với quý I tăng trưởng tốt, mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế năm 2025 có thể hoàn thành, giúp ngành bán lẻ có khả năng tiếp tục hưởng lợi. Đó cũng là kỳ vọng của những nhà bán lẻ như anh Yến. "Tôi kỳ vọng doanh thu từ khách du lịch tiếp tục tăng để bù đắp được chi phí mặt bằng đắt đỏ", anh nói.
Hôm 6/4, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được nói để tăng tốc phát triển kinh tế, TP HCM sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có ưu tiên kích cầu kinh tế thông qua du lịch và tiêu dùng.
Năm nay, TP HCM kỳ vọng đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 45 triệu lượt nội địa và doanh thu 260.000 tỷ đồng. Theo ông Được, ngành du lịch sẽ đặc biệt được hỗ trợ vì là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng địa phương.

Du khách nước ngoài lựa quần áo tại cửa hàng trên đường Đồng Khởi tháng 11/2024. Ảnh: Quỳnh Trần
Bản thân các doanh nghiệp cũng đang ấp ủ nhiều kế hoạch. Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, hành trình tàu hỏa cần chú trọng trải nghiệm. "Nhà ga phải là điểm đến, không chỉ dành riêng cho khách đi tàu, mà còn là trung tâm triển lãm, biểu diễn thời trang, thương mại dịch vụ, trưng bày văn hóa nghệ thuật", ông nêu ý tưởng.
Ngoài các giải pháp về giá cả, sản phẩm và sự kiện, một số chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng môi trường du lịch và thái độ của ngành bán lẻ phục vụ du khách cần cải thiện thêm.
"Sách Trắng 2025" do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố mới đây nhận định ngành du lịch Việt Nam đang phát triển nhanh, nhưng trải nghiệm của du khách bị ảnh hưởng bởi thủ tục nhập cảnh rườm rà và hạ tầng sân bay quá tải.
Theo EuroCham, Việt Nam cần triển khai e-gate (xuất nhập cảnh tự động), bổ sung nhân sự và làn ưu tiên; nâng cấp hạ tầng giao thông và bãi đỗ; đẩy mạnh kết nối phương tiện công cộng; quy hoạch mở rộng sân bay. "Hiện đại hóa hạ tầng sân bay không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm du lịch mà còn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch và kinh tế toàn cầu", ấn phẩm nêu.
Trong khi đó, đại diện chuỗi bán lẻ ở TP HCM kỳ vọng nhà quản lý có thể dẹp được nạn chèo kéo, bắt chẹt du khách, làm ảnh hưởng đến uy tín của những đơn vị làm ăn nghiêm túc. "Điều này rất quan trọng bởi một khách bị lừa thì mình sẽ mất 10 khách tiềm năng, vì họ sẽ lên mạng xã hội 'review' (đánh giá)", người này nói.
Viễn Thông