"Tiêu chuẩn của họ là phải có bình đẳng giới", ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group nói tại sự kiện Gears mới đây tại TP HCM. Ông cho rằng để gọi vốn xanh thì cần quan tâm đến bình đẳng giới trong doanh nghiệp.

Tại 6 nhà máy của Phúc Sinh, 80% quản lý là nữ giới. Riêng 2 nhà máy quan trọng nhất, mang về doanh số hàng nghìn tỷ mỗi năm của doanh nghiệp này, CEO là nữ. "Bình đẳng giới là một câu chuyện thiết thực trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi", ông Thông đánh giá.

z6233575210626-87956fcc212c3fb-9840-9134-1737258007.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PbnCjif-wqp6ABmk5TZywA

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group phát biểu tại sự kiện GEARS@VIETNAM. Ảnh: BSA

Theo các tổ chức nghiên cứu, bình đẳng giới đóng vai trò quan trọng trong tuân thủ các tiêu chuẩn ESG (Environmental, Social and Governance), nhất là khía cạnh xã hội và mang lại lợi ích kinh tế và nâng cao lợi thế cạnh tranh.

ESG là một khung đánh giá nhằm đo lường tính bền vững và trách nhiệm của doanh nghiệp dựa trên 3 trụ cột chính môi trường, xã hội và quản trị.

Báo cáo của McKinsey cho biết việc giảm thiểu phân biệt giới tính tại các doanh nghiệp có thể giúp GDP toàn cầu tăng thêm 5.000 tỷ USD vào năm 2025. Công ty tập trung đẩy mạnh giá trị đa dạng và bao trùm có thể đạt mức tăng trưởng đầu tư cao hơn 35% và doanh số bán hàng gấp 3 lần.

Ngoài Phúc Sinh, nhiều doanh nghiệp khác đã tích hợp tiêu chí bình đẳng giới vào chiến lược ESG. Ví dụ, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) xem bình đẳng giới là trọng tâm trong chiến lược ESG của họ, với 48% vị trí lãnh đạo là nữ, cao hơn mức trung bình 31% của các công ty trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bà Lê Hồng Thủy Tiên, CEO IPPG nói bình đẳng giới là giá trị xã hội, đòn bẩy giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững và lợi thế cạnh tranh.

Hay như công ty 3M, họ thúc đẩy văn hóa đa dạng, công bằng và hòa nhập (Diversity, Equity, Inclusion - DEI) trong chiến lược ESG, nhằm tạo ra môi trường làm việc nơi mọi người có thể phát triển và cảm thấy thoải mái khi hợp tác, sáng tạo và học hỏi lẫn nhau.

Giám đốc quỹ đầu tư Ascend Vietnam Ventures (AVV) Lý Khánh Hậu cho biết các quỹ đầu tư mạo hiểm quan tâm nhiều hơn đến ESG và bình đẳng giới. Các startup có tiêu chí này rõ ràng sẽ lợi thế hơn trong thu hút vốn xanh.

Bà Hậu chỉ ra rằng công nghệ là lĩnh vực đặc thù mà tỷ lệ nam luôn cao hơn nữ nên câu chuyện về ESG và bình đẳng giới lại càng đáng chú ý. Ở Đông Nam Á, dưới 20% các startup nhận được vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm có ít nhất một người sáng lập là nữ.

Cùng với đó, hơn 70% các quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực không có các đối tác là nữ. "Đó là bối cảnh mà tôi đã tiếp xúc rất nhiều trong suốt 8 năm qua. Chúng tôi quan tâm nhiều tới câu chuyện bình đẳng giới", bà Hậu nêu.

Những năm qua, Việt Nam đạt được bước tiến trong thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, với tỷ lệ lao động nữ thuộc nhóm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự chênh lệch. Tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động là 62,7% so với nam giới 75,5%, theo Tổng cục Thống kê năm 2022. Khoảng 20% chủ sở hữu doanh nghiệp là nữ, tập trung ở quy mô vừa và nhỏ.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết bình đẳng giới đang nổi lên trong tiêu chuẩn ESG. Việc chuẩn bị sớm yếu tố này giúp doanh nghiệp Việt tránh bất lợi do tụt hậu và thu hút nguồn lực đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh mới.

"Đây là thành phần trọng yếu của chữ S (Social) trong bộ ba ESG mà các thị trường lớn trên thế giới đang luật hóa và áp dụng ngày càng khắt khe với các đối tác trong chuỗi cung ứng", bà Hạnh cho biết.

z6233330271030-5ee813e10c2a559-5518-5148-1737258007.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e7LMF3n1xQ9bi0Js35ymoA

Bà Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Điều hành TMS Việt Nam, Nhà sáng lập HR phát biểu ngày 16/1. Ảnh: BSA

Để thúc đẩy bình đẳng giới, chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp quan tâm vào khâu tuyển dụng, đãi ngộ nhân sự và có công cụ đo lường cụ thể.

Bà Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Điều hành TMS Việt Nam, nhà sáng lập HR lưu ý khi nói về ESG, doanh nghiệp thường hay nghĩ ngay đến các yếu tố như môi trường, quản trị hiệu quả, trách nhiệm xã hội mà quên chất lượng nguồn nhân lực.

Do đó, người làm nhân sự cần khung công cụ DEI, tức là các yếu tố văn hóa đa dạng, bình đẳng và hòa nhập. Ví dụ, các công ty công nghệ có đặc thù nhiều nam thì khi đăng tuyển ưu tiên thêm nhân sự nữ để cân bằng. Khi gen Z tham gia thị trường lao động ngày càng lớn, DEI càng quan trọng vì họ là thế hệ có ý thức mới về tự do, bình đẳng.

Ông Lê Quang Bình, Giám đốc ECUE - doanh nghiệp xã hội chuyên tư vấn về thúc đẩy giá trị đa dạng và hòa nhập - lưu ý việc triển khai DEI cần có số liệu cụ thể, nhằm đánh giá mức độ đạt được và minh chứng cho đối tác, nhà đầu tư.

"Tôi biết nhiều doanh nghiệp làm rất tốt về bình đẳng giới nhưng họ vẫn băn khoăn không biết mình làm như vậy đã đủ chưa?", ông nói. Theo chuyên gia, doanh nghiệp có thể áp dụng GEARS, một bộ công cụ giúp chuẩn đoán toàn diện về tình hình giới, đa dạng và hòa nhập trong công ty và chuỗi giá trị.

Nó được phát triển dựa trên công cụ của Cơ quan Bình đẳng giới tại nơi làm việc Australia (Workplace Gender Equality Agency – WGEA) và có điều chỉnh phù hợp đặc thù văn hóa, xã hội, tôn giáo ở Đông Nam Á. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp như Bảo Minh, Phân bón Cà Mau, Samsung, KPMG... dùng công cụ này.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022