Theo kế hoạch của Chính phủ, Trung tâm tài chính tại TP HCM và Đà Nẵng sẽ được thành lập, vận hành trong 2025. Việc xây dựng các trung tâm này nhằm phát triển Việt Nam thành điểm đến tài chính quan trọng trong khu vực, thế giới.

Tại dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).

Theo đề xuất này, Ủy ban Quản lý, điều hành trung tâm tài chính sẽ có thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và quản trị rủi ro với sandbox trong hoạt động fintech. Việc thử nghiệm gồm sàn giao dịch với tài sản, tiền mã hóa (tài sản số, tiền số).

Chính phủ quy định chi tiết các biện pháp về phòng, chống rửa tiền; kiểm tra và chứng nhận bảo mật, an ninh mạng liên quan tới các loại tài sản số và tổ chức cung ứng dịch vụ này.

Cách thức quản lý, phát hành, sở hữu và giao dịch các token tiện ích, "đào" tiền số cũng thuộc thẩm quyền Chính phủ. Việc này nhằm hạn chế rủi ro với an ninh năng lượng và môi trường.

106957907-1633977687219-gettyi-2927-6768-1736401694.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dSV2nx-OAGPJbhwOnWNIDA

Biểu tượng của Bitcoin và một vài loại tiền số thông dụng khác. Ảnh minh họa: CNBC

Các loại tiền số như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản ảo phổ biến. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.

Thực tế, tiền số không bị cấm tại Việt Nam nhưng nhà điều hành chưa có quy định cụ thể và chưa coi chúng là một loại tài sản. Việc thiếu khung pháp lý cho tài sản này khiến nhiều doanh nghiệp chọn Singapore, Mỹ đăng ký rồi về hoạt động ở Việt Nam, gây mất lợi thế cạnh tranh và thất thu thuế. Còn ở góc độ người dùng, việc thiếu minh bạch dẫn tới rủi ro trong giao dịch, theo giới chuyên môn.

Theo số liệu của Hiệp hội Blockchain Việt Nam hồi tháng 8, giai đoạn 2021-2022, Việt Nam nằm trong top 3 thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số (tương đương 21% dân số Việt Nam sở hữu), chỉ sau UAE và Mỹ. Dòng tài sản số vào Việt Nam năm 2023 đạt 120 tỷ USD, theo báo cáo của tổ chức phân tích thị trường Chainalysis.

Ngoài tài sản số, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội nhằm khuyến khích, thu hút vốn, công nghệ tại các trung tâm tài chính.

Chẳng hạn, các dự án đầu tư thuộc ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của trung tâm tài chính có thể được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% suốt vòng đời dự án. Với dự án đầu tư khác, gồm thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, dự kiến chịu mức thuế 10% trong 15 năm. Các doanh nghiệp này được miễn thuế 4 năm, giảm một nửa số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo từ khi có thu nhập chịu thuế, theo đề xuất của Bộ.

Thu nhập từ dự án đầu tư của các đơn vị thuộc danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Tạp chí Forbes được miễn thuế thu nhập thêm 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo.

Cán bộ quản lý, nhà khoa học, chuyên gia có thu nhập phát sinh tại trung tâm tài chính quốc tế được miễn thuế thu nhập cá nhân. Với các đối tượng khác được miễn đến hết năm 2035 và giảm 50% số thuế phải nộp các năm tiếp theo. Các chuyên gia nước ngoài cũng được tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh, đi lại và tạm trú.

Tại các trung tâm tài chính sẽ hình thành hệ thống đăng ký thành viên. Dự kiến, đối tượng đăng ký trở thành thành viên là các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, sàn giao dịch chứng khoán, vàng, ngoại tệ, quỹ đầu tư tài chính, công ty bảo hiểm... Những doanh nghiệp này sẽ được phép thành lập và hoạt động tại trung tâm tài chính.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các chính sách, ưu đãi trên phù hợp với thực tiễn, quản lý hiệu quả hoạt động của trung tâm tài chính. Chính sách này không bị hạn chế bởi các quy định về đăng ký doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp, văn bản liên quan.

Phương Dung

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022