Với nhu cầu giành chiến thắng tại Pennsylvania, Phó tổng thống Kamala Harris đã tuyên bố xóa bỏ mọi lời khẳng định trước đó rằng bà phản đối việc khai thác dầu đá phiến. "Bà ấy sẽ không cấm khai thác dầu đá phiến", Phát ngôn viên chiến dịch của bà Harris khẳng định lại với Politico mới đây.

Pennsylvania có lịch sử lâu đời và quan trọng trong ngành dầu mỏ Mỹ, với những giếng thương mại đầu tiên được khoan năm 1859. Vị thế top đầu về khai thác dầu khí của bang duy trì đến nay, đặc biệt nhờ các mỏ đá phiến Marcellus. Vào 2022, gần 18.000 người làm việc trong lĩnh vực khai thác dầu khí tại bang này.

Dầu đá phiến được khai thác nhờ phương pháp nứt vỡ thủy lực (fracking), tức bơm chất lỏng gồm hỗn hợp nước, cát và hóa chất vào lỗ khoan với áp lực mạnh để tạo ra các vết nứt, từ đó khai thác dầu và khí đốt từ các tầng đá phiến. Fracking giúp Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, với sản lượng trung bình 12,9 triệu thùng mỗi ngày vào năm ngoái.

Do các lo ngại về ảnh hưởng môi trường trong quá trình khai thác cũng như tầm nhìn chuyển đổi năng lượng, năm 2019, bà Harris từng tuyên bố sẽ cấm khai thác dầu đá phiến, khi còn là ứng cử viên sơ bộ của đảng Dân chủ trong danh sách lựa chọn tranh cử tổng thống 2020.

AFP-20240803-368B4RG-v1-HighRe-8921-9801-1722844791.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-xNTBr-feZkYOVGwrIcpyA

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: AFP

Kỳ bầu tổng thống năm nay, khí hậu là vấn đề quan trọng đối với nhiều người, đặc biệt là những cử tri trẻ. Tuy nhiên, một số chiến lược gia chính trị tin rằng việc bà Harris chọn đổi quan điểm là thông minh vì có thể trấn an một số cử tri, đặc biệt là những người lo ngại về các vấn đề kinh tế và lao động.

"Fracking là một phần cốt lõi, nền tảng và chiếm đáng kể trong nền kinh tế Pennsylvania. Lập luận về kinh tế sẽ cực kỳ quan trọng trên toàn bang và tại Mỹ, là vấn đề hàng đầu trong tâm trí cử tri", Jon Reinish, chiến lược gia đảng Dân chủ cho biết.

Bất chấp bà Harris đổi thái độ với dầu đá phiến, cựu tổng thống Donald Trump tuần trước đã cảnh báo tại Pennsylvania. "Bà ấy phản đối khai thác dầu đá phiến, phản đối khoan dầu, muốn mọi người đều có một chiếc ôtô điện và chia sẻ nó với những người hàng xóm", Trump nói hôm 31/7. Ông nói thêm rằng "chính trị gia luôn quay trở lại với suy nghĩ ban đầu của họ".

Với cương vị phó tổng thống, bà Harris ủng hộ kế hoạch của ông Joe Biden nhằm đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhưng kế hoạch đó không bao gồm lệnh cấm hoàn toàn việc khai thác dầu đá phiến. Thực tế, sản lượng khí đốt và dầu thô của Mỹ còn đạt kỷ lục hàng tháng năm ngoái. Điều tương tự cũng xảy ra với sản lượng khí đốt ở Pennsylvania, lập đỉnh hàng tháng trong thời gian Biden tại nhiệm.

"Chính quyền Biden - Harris đã thông qua luật về biến đổi khí hậu lớn nhất từ trước đến nay và dưới sự lãnh đạo của họ, nước Mỹ hiện có sản lượng năng lượng trong nước cao nhất từ trước đến nay", Phát ngôn viên chiến dịch Harris chỉ ra.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden đồng thời tìm cách ngăn cho thuê đất liên bang để khoan dầu, trì hoãn cấp phép dự án khí đốt lớn và siết chặt nhiều quy định khí thải cùng mức tiết kiệm nhiên liệu của xe, khiến các nhà sản xuất dầu khí phản đối.

Tại Pennsylvania, một số chính trị gia đảng Dân chủ thời gian qua cũng đã thành công trong việc siết quy định hoạt động khai thác dầu khí đá phiến. Họ tránh nói đến lệnh cấm dù có thể không nhất thiết ủng hộ mọi khía cạnh trong chính sách năng lượng của ông Biden nếu các công đoàn phản đối.

Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành đang muốn biết chi tiết liệu bà Harris có tiếp tục đi theo con đường của ông Biden và đảng Dân chủ hay không. "Chúng tôi và nhiều người khác rất muốn được nghe ý kiến từ phó tổng thống", Dustin Meyer, Phó chủ tịch cấp cao tại Viện Dầu khí Mỹ, cho biết.

Trong khi Trump liên tục cảnh báo cử tri Pennsylvania và các doanh nghiệp dầu khí, bà Harris đã nhận được các ủng hộ bước đầu. Khi ông Biden rút khỏi cuộc tranh cử, Hiệp hội thống nhất Liên đoàn Thợ ống và Thợ hàn, với các thành viên phụ trách thi công các đường ống dầu khí và hạ tầng trong các nhà máy điện, đã nhanh chóng ủng hộ bà bằng một cuộc bỏ phiếu nhất trí.

Chủ tịch hiệp hội Mark McManus gọi bà Harris là "ứng cử viên toàn quốc" và việc bà tuyên bố thay đổi lập trường gần đây tốt cho hiệp hội. Theo ông, cách tiếp cận năng lượng của Harris gắn bó chặt chẽ với Biden. Phó tổng thống còn đang cân nhắc việc chọn Thống đốc Pennsylvania Josh Shapiro làm ứng cử viên đồng hành tranh cử của đảng Dân chủ. Chiến dịch của bà cũng bác các cáo buộc của Trump.

Christopher Borick, Giám đốc Viện Ý kiến Công chúng của Cao đẳng Muhlenberg tại Allentown (Pennsylvania), cho biết khai thác dầu khí đá phiến sẽ không phải là yếu tố quyết định đối với hầu hết cử tri Pennsylvania vì chủ đề này rất chia rẽ trong bang. Dầu khí giúp một số nền kinh tế địa phương của bang thịnh vượng hơn nhưng đồng thời gây phản ứng dữ dội ở các cộng đồng khác, nhất là các vùng ngoại ô.

Theo Borick, điểm khôn ngoan của các chính trị gia trong bang là không phải kêu gọi lệnh cấm mà là kêu gọi quy định chặt chẽ, công bố rõ ràng về quy trình và giới hạn nơi có thể thực hiện. "Tất cả họ đều thành công và đó là cách bạn thấy bà Harris sẽ hướng đến", ông dự đoán.

Phiên An (theo AP, Politico, The Hill)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022