Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa thông báo cổ phiếu SMC của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại SMC có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc. Theo báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý IV/2024, công ty lỗ lần lượt hơn 223,8 tỷ và hơn 286,7 tỷ đồng trong năm 2024. Nếu trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, SMC có lợi nhuận âm, tức nằm trong diện bắt buộc rời sàn HoSE do kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ ba năm liên tục.

Hiện tại, SMC đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 và 2023 bị âm. Năm 2022, họ lỗ hơn 651,8 tỷ và tiếp tục lỗ gần 925,3 tỷ đồng trong năm 2023.

Trong năm 2024, SMC ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt khoảng 8.924 tỷ đồng, giảm gần 35% so với cùng kỳ. Giá vốn vẫn duy trì mức cao khiến công ty có lãi gộp rất mỏng, hơn 21,7 tỷ đồng, sụt khoảng 65%.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp đôi lên hơn 244,8 tỷ đồng nhờ thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán và cổ tức được chia. Công ty cũng tiết giảm rất tốt nhóm chi phí thường xuyên từ việc cắt lãi vay, chi phí bán hàng và hạ dự phòng phải thu khó đòi. Ngoài ra, họ còn có thêm thu nhập khác gần 139 tỷ từ bán đất và chuyển quyền chủ nợ

Tuy nhiên những nỗ lực trên vẫn không thể bù việc giá vốn cao gần bằng doanh thu. Kết quả là SMC lỗ sau thuế 286,7 tỷ đồng. Nhưng nếu so với năm 2023, mức này đã giảm hơn 69%.

Ban lãnh đạo cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện tình hình, bám sát diễn biến tình hình vĩ mô và ngành thép để có chiến lược kinh doanh phù hợp, quyết liệt xử lý các khoản nợ đọng. Tuy nhiên thị trường trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, giá thép và nhu cầu tiêu thụ liên tục giảm mạnh, hơn nữa ngành bất động sản chưa thật sự ổn định nên ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động công ty.

"SMC sẽ tích cực thực hiện các giải pháp về kinh doanh, thu hồi nợ đọng và tiếp tục xem xét tái cấu trúc doanh nghiệp trong thời gian tới để mang lại hiệu quả trong năm 2025", Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thị Ngọc Loan nêu trong văn bản giải trình với HoSE.

trang-34-scaled-1739070344-173-2875-9027-1739070482.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FlrrXH_uIzHx2ws4SxdxmA

Công nhân đang làm việc trong nhà máy SMC. Ảnh: SMC

Thực tế, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp này vẫn chịu ảnh hưởng lớn khi gánh trên mình nhiều khoản nợ xấu từ các chủ đầu tư bất động sản như Novaland, Hưng Thịnh Incons... Tổng các khoản phải thu khó đòi vào cuối năm 2024 ghi nhận gần 1.293 tỷ đồng. Tuy giảm nhẹ so với năm 2023, công ty phải tăng trích lập dự phòng từ 574 tỷ lên 667 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu.

Trong năm, SMC đã bán nhiều bất động sản tại Đà Nẵng, Bình Dương và TP HCM. Tình hình khó khăn đến nỗi hồi tháng 4/2024, doanh nghiệp này quyết định chuyển nhượng tòa nhà văn phòng trụ sở tại số 681 Điện Biên Phủ (TP HCM) với giá khoảng 170 tỷ đồng.

SMC tiền thân là cửa hàng Vật liệu Xây dựng số 15 thuộc Trung tâm Bán buôn bán lẻ Vật liệu Xây dựng Miền Nam, thành lập năm 1988. Đầu những năm 2000, công ty là một trong những nhà sản xuất và phân phối thép lớn tại miền Nam và vào nhóm những doanh nghiệp đầu tiên trong ngành niên yết cổ phiếu lên sàn HoSE từ năm 2006. Sản phẩm chủ lực là các loại thép xây dựng và các nguyên liệu sản xuất thép.

Doanh thu của SMC vượt mốc 10.000 tỷ đồng từ 2014 đến nay (trừ năm 2016). Lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2016-2021 cũng liên tục giữ mốc trăm tỷ, riêng năm 2021 lập kỷ lục hơn 900 tỷ đồng. Trong thời kỳ kinh doanh thuận lợi, công ty từng nhiều lần mang tiền đi đầu tư chứng khoán dù đang vay nợ hàng trăm tỷ đồng.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022