Đây là kết quả nghiên cứu được chuyên gia Jae Wook Jung của Đại học Sogang (Hàn Quốc) nêu tại phiên Thương mại quốc tế thuộc khuôn khổ Hội nghị Châu Á của Hiệp hội Kinh tế lượng, Đông Á và Đông Nam Á (AMES 2024) diễn ra tại TP HCM chiều 2/8.

Nghiên cứu chỉ ra rằng thực tế một số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sớm hơn các doanh nghiệp khác sau khi FTA có hiệu lực. Việc tham gia sớm giúp họ tránh được tình trạng gọi là "ngoại ứng tắc nghẽn" (congestion externality), tức giai đoạn quá nhiều nhà xuất khẩu cùng tham gia, làm cạnh tranh tăng, lợi nhuận giảm.

"Đi trước một bước" cũng có thể giúp họ thành công với ngưỡng năng suất thấp hơn. Bởi chi phí gia nhập thị trường ban đầu và chi phí tài chính bên ngoài sẽ thay đổi theo thời gian, thường là tăng.

Vậy doanh nghiệp nơi nào thường sẽ nhanh chân hơn? Theo nghiên cứu của ông Jung, câu trở lời là ở các thị trường phát triển, nơi có hệ thống tài chính mạnh mẽ và ổn định. Điều kiện này giúp nhà xuất khẩu có khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, đạt được lợi thế trong việc trang trải chi phí gia nhập thị trường nước ngoài.

Screenshot-2024-08-03-at-20-02-1863-9591-1722691009.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=z521iLhLVQnrj3NcZskUog

Ông Jae Wook Jung của Đại học Sogang (Hàn Quốc) tại phiên trình bày chiều 2/8. Ảnh: Dỹ Tùng

"Khả năng tiếp cận tài chính ở quốc gia phát triển dễ dàng hơn ở nước đang phát triển", ông Jung chỉ ra. Cũng nhờ điều này, nghiên cứu cũng nhận thấy số lượng nhà xuất khẩu tham gia sớm tăng nhanh hơn ở thị trường tài chính phát triển.

Vì vậy, chuyên gia Đại học Sogang đưa ra 2 khuyến nghị chính sách. Thứ nhất, thận trọng khi đánh giá tác động của chính sách tự do hóa thương mại vì cần xem xét các yếu tố khác như điều kiện tài chính của doanh nghiệp và thị trường. Không phải lúc nào tự do hóa thương mại cũng mang lại lợi ích tức thì cho tất cả.

Thứ hai, để doanh nghiệp tận dụng đầy đủ lợi ích của FTA thì cần cải cách các thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính, giúp họ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, từ đó tận dụng được cơ hội mở rộng ra quốc tế.

Lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, AMES 2024 quy tụ hơn 250 chuyên gia và nhà khoa học đến từ hơn 40 quốc gia. Theo chuyên gia hội nghị, kinh tế lượng rất cần thiết đối với quốc gia đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam, giúp chính phủ, các cơ quan điều phối và doanh nghiệp có thể ra quyết định dựa trên những tính toán khoa học và dữ liệu thực tiễn.

Nghiên cứu của chuyên gia Jae Wook Jung là một đơn cử có ý nghĩa tham khảo với các chính sách kinh tế và thương mại, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi việc cải thiện hệ thống tài chính có thể mang lại lợi ích lớn hơn trong việc thúc đẩy xuất khẩu.

Tính đến tháng 5/2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng là 19 FTA. Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ 2023, theo Tổng cục Thống kê. Song song đó, hội nhập kinh tế sâu rộng cũng mở cho hàng hóa nước ngoài tiếp cận thêm thị trường, với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5%.

Doanh nghiệp châu Âu - nơi có thị trường tài chính phát triển - đã nhận thấy những hiệu quả sau 4 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực. Khảo sát do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới công bố cho biết hai phần ba thành viên được hỏi nói đã nhận được lợi ích ở những mức độ khác nhau.

evfta-1722689035-3159-1722691009.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=L7vq3HRX2YKA-uQhUCVGrg

Nguồn: EuroCham

Cụ thể, 27% công ty - tăng đáng kể so với 18% vào năm 2023 - đang nhận được lợi ích từ mức độ vừa đến rất lớn. Trong khi, 23% công ty (giảm so với 31% năm ngoái) chưa thấy bất kỳ lợi ích hữu hình nào. "EVFTA chắc chắn đã tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam", Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết.

EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro vào năm 2023. Tăng trưởng rõ nét trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản. Ngược lại, mức tăng xuất khẩu của EU sang Việt Nam khiêm tốn hơn nhiều, chỉ từ 11 tỷ euro lên 11,4 tỷ euro trong cùng kỳ.

Tuy nhiên, "EVFTA chắc chắn đã củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu", theo EuroCham. Khối Liên minh Châu Âu đã rót 28 tỷ euro vào 2450 dự án vào Việt Nam. Đáng chú ý, các nhà đầu tư EU đã bổ sung 800 triệu euro trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2023, đi ngược lại xu hướng FDI đang giảm trên toàn cầu.

Viễn Thông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022