Câu hỏi được ông Phạm Văn Hòa, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp nêu khi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sáng 11/11.
Ông Phạm Văn Hòa tranh luận việc vì sao ngân hàng chỉ bán, không mua vàng từ dân, sáng 11/11. Video: Lộc Chung
Theo ông, việc bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước để bình ổn giá vàng được nhân dân người dân rất đồng tình. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ bán không mua.
"Nếu người dân muốn bán vàng để sử dụng tiền mặt thì bán ở đâu, ngân hàng không mua thì các cửa hàng vàng khác cũng không", ông Hòa đặt câu hỏi.
Chưa kể, các ngân hàng chỉ bán vàng tại Hà Nội và TP HCM, vì sao chính sách này không được thực hiện trên cả nước, tạo thuận lợi cho người dân.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn, sáng 11/11. Ảnh: Hoàng Phong
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước không cung vàng miếng ra thị trường, do Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Với bối cảnh và nhu cầu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa đặt vấn đề mua lại.
Các ngân hàng thương mại Nhà nước trong giai đoạn này chủ yếu thực hiện giải pháp tăng cung vàng. Hiện nay, đã có 22 tổ chức tín dụng và có 16 doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng.
"Ngân hàng và các doanh nghiệp này vẫn được mua bán vàng bình thường. Chuyện doanh nghiệp không mua vàng của cá nhân có thể do cân đối tiền của họ", bà Hồng trả lời.
Về việc chỉ thực hiện chính sách bán vàng ở Hà Nội và TP HCM, bà Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không có quy định bắt buộc là phải ở địa điểm nào. Bản thân doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng sẽ tự xem xét, đánh giá trên nhu cầu ở các tỉnh, thành và mở các địa điểm giao dịch vàng miếng.
"Nhu cầu mua bán vàng chủ yếu là ở Hà Nội, TP HCM và đô thị lớn. Tỉnh thành trong cả nước hầu như không có hiện tượng giữ vàng hoặc xếp hàng mua vàng", bà Hồng nói.
Chưa đồng tình với phần trả lời của Thống đốc, ông Hòa tranh luận. Ông nói việc ngân hàng bán vàng miếng không mua lại từ người dân là "vấn đề hệ trọng".
Ông Phạm Văn Hòa, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp đặt câu hỏi chất vấn, sáng 11/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
"Thị trường vàng, các doanh nghiệp không mua, dẫn đến người dân phải bán ở chợ đen. Đây là điểm rất bất hợp lý. Tại sao ngân hàng bán lại không mua để thuận lợi cho người dân. Người ta cần tiền thì phải mua lại để họ còn sử dụng, lưu thông", ông nói.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tổ chức tín dụng thực hiện mua bán vàng theo chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước về bình ổn thị trường. Tuy nhiên, vàng không như ngoại tệ. Để kiểm định chất lượng, hàm lượng vàng rất phức tạp.
"Tổ chức tín dụng phải đầu tư trang thiết bị, con người để nhận biết, tránh rủi ro khi tham gia bình ổn lại gặp rủi ro về chất lượng vàng", bà Hồng nói, thêm rằng việc không mua vàng của người dân có thể do biến động của thị trường vàng rất cao.
"Giá vàng thế giới tăng cao lại xuống, doanh nghiệp phải cân nhắc để phòng ngừa rủi ro. Mua giá vàng của người dân ở mức này nhưng đến lúc xuống lại rủi ro", Thống đốc nhìn nhận.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo thị trường vàng biến động rất khó lường phức tạp, nhà đầu tư sẽ chịu rủi ro.
Thực tế, giai đoạn 2014-2023, cơ quan quản lý không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Chỉ đến năm nay, họ mới tăng cung theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhằm hạ nhiệt chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới.
Từ 19/4 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng 354.100 lượng vàng miếng, tương đương 13 tấn vàng ra thị trường. Nhờ đấu thầu vàng miếng và bán can thiệp ra thị trường từ tháng 6 đến nay, chênh lệch giá vàng của trong nước và quốc tế đang ở 15-18 triệu đồng một lượng giờ chỉ còn 3-5 triệu đồng.
Tuy nhiên, thị trường vàng còn diễn biến khó lường, Việt Nam không sản xuất vàng, Thống đốc cho rằng việc can thiệp thì hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu vàng của quốc tế. Do đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn biến này để đưa ra các chính sách ổn định thị trường này.
Anh Minh - Sơn Hà