Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó nhà máy số 1 đặt tại xã Phước Dinh, nhà máy số 2 ở xã Vĩnh Hải, tổng công suất 4.800 MW. Để đưa nhà máy đầu tiên vận hành thương mại, nhanh nhất vào 2030, chậm nhất 2031, Chính phủ vừa đề xuất loạt chính sách đặc thù.
Tại phiên thảo luận dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận, sáng 17/2, ông Dương Khắc Mai, Phó trưởng đoàn đại biểu Đăk Nông, nhìn nhận điện hạt nhân là lĩnh vực công nghệ chuyên sâu, đặc thù và phức tạp, trong khi trình độ của Việt Nam trong lĩnh vực này chỉ ở mức cơ bản.
Vì thế, ông Mai cho rằng khó tránh việc phụ thuộc nhiều vào nước ngoài - các quốc gia đã phát triển loại năng lượng này từ lâu, sở hữu công nghệ lõi.
"Cần có cơ chế huy động tối đa nguồn lực từ doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân tham gia vào dự án", ông Mai đề nghị, thêm rằng chính sách này có thể nghiên cứu tương tự phát triển dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Việc có cơ chế này, theo ông, sẽ giảm bớt áp lực cho Nhà nước về vốn, nhân lực, đảm bảo hoàn thành tiến độ dự án, cũng như hình thành đội ngũ nhân lực có trình độ làm chủ công nghệ, tự chủ vận hành nhà máy trong thời gian sớm nhất.
![Duong-Khac-Mai-1739768301-9935-1739768322.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mkw5TWSFDQ7xitrLI0ax2w](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/17/Duong-Khac-Mai-1739768301-9935-1739768322.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mkw5TWSFDQ7xitrLI0ax2w)
Ông Dương Khắc Mai, Phó trưởng đoàn đại biểu Đăk Nông góp ý cơ chế đặc thù phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận, sáng 17/2. Ảnh: Giang Huy
Cũng liên quan tới huy động nguồn lực, vốn cho dự án điện hạt nhân, Chính phủ đề xuất cho phép chủ đầu tư được miễn báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt dự án đầu tư, phương án huy động vốn.
Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom, nhận xét quy định như vậy "chủ đầu tư có thể làm nhanh ở thời điểm đầu thực hiện dự án, nhưng sẽ vướng về sau khi họ muốn thay đổi vốn, phương án công nghệ".
"Điện hạt nhân là dự án rất lớn, quá trình làm có thể phát sinh nhiều thứ chưa lường trước được hết. Giả sử sau này vốn chủ sở hữu không đáp ứng được, cần tăng mà cơ quan chủ sở hữu vốn Nhà nước không tham gia giám sát, chủ đầu tư đủ thẩm quyền điều chỉnh hay không, hay lại phải xin Quốc hội", ông đặt vấn đề.
Từ đó, ông Huân đề nghị nên để cơ quan chủ sở hữu Nhà nước giám sát quá trình này để họ "ra quyết định nhanh hơn".
Hiện tổng công suất điện Việt Nam gần 81.000 MW, trong đó điện gió và mặt trời chiếm 27%, tương đương 21.600 MW. Tuy vậy, đến tháng 6/2024, công suất cực đại toàn hệ thống đạt 52.000 MW, nếu loại trừ điện gió và mặt trời, công suất dự phòng rất thấp và có thể gây rủi ro cho hệ thống.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8-10% những năm tới, nên nhu cầu điện năng rất lớn. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, tổng công suất hệ thống điện tới 2030 dự kiến 230.000 MW, tức gấp 3 lần hiện tại. Trong khi đó, Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào 2050, nên phải phát triển mạnh các nguồn điện tái tạo, điện sạch như điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) đề nghị trong cơ chế đặc thù cần dứt khoát có tên chủ đầu tư dự án, cụ thể là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và PVN để "rõ người rõ việc".
Cùng với đó, các cơ chế tài chính, vốn chủ sở hữu, đối ứng, vay các nhà cung cấp cũng cần rõ ràng. Bởi EVN và PVN là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, nên "quy định rõ để tránh ảnh hưởng nhiệm vụ khác mà các tập đoàn đang triển khai".
"Đây là dự án siêu lớn nên dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra các cơ chế được thực hiện song song thủ tục chuẩn bị đầu tư. Nếu không có tên doanh nghiệp cụ thể sẽ không làm được, bởi sau khi được phê duyệt sẽ lại phải đi xin các cơ chế đó", ông Hùng nói, mong muốn cơ quan thẩm tra, Quốc hội chia sẻ và thống nhất cơ chế đặc thù để các tập đoàn yên tâm làm dự án lớn này.
![Nguyen-Manh-Hung-1739768099-7407-1739768322.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SXOoXFD8Y875Lc_ptSDC-g](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/17/Nguyen-Manh-Hung-1739768099-7407-1739768322.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SXOoXFD8Y875Lc_ptSDC-g)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch PVN nêu ý kiến tại phiên thảo luận cơ chế đặc thù phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận, sáng 17/2. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay đây là dự án có công nghệ phức tạp, chỉ một số ít quốc gia sở hữu và nhu cầu vốn đầu tư rất lớn. Để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2030-2031 cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện.
Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách này chưa được quy định hoặc khác với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam nên cần thiết phải được Quốc hội thông qua, ban hành Nghị quyết để tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Ninh Thuận và các chủ đầu tư triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Diên nói tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ điều chỉnh dự thảo Nghị quyết theo hướng chỉ nêu chung "chủ đầu tư", bổ sung đối tượng áp dụng "tỉnh Ninh Thuận" và "đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án".
![2-vi-tri-quy-hoach-DHN-Ninh-Th-9159-5789-1739768322.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RI1rkw9kvLeBRAHMLr3X5A](https://i1-kinhdoanh.vnecdn.net/2025/02/17/2-vi-tri-quy-hoach-DHN-Ninh-Th-9159-5789-1739768322.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RI1rkw9kvLeBRAHMLr3X5A)
Vị trí hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồ họa: Tiến Thành
Ngoài nguồn lực về vốn, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần có cơ chế đặc thù phát triển nhân lực cho điện hạt nhân. Việt Nam tính toán cần khoảng 2.400 nhân sự cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo ông Dương Khắc Mai, hiện nhiều nhân lực được đào tạo ở giai đoạn trước khi chuẩn bị cho dự án (năm 2009) làm việc ở nước ngoài, bên ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
"Không có chính sách nhân lực phù hợp sẽ khó đảm bảo, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, vận hành nhà máy trong trước mắt và dài hạn", ông Mai nói, đề nghị Chính phủ có phương án, giải pháp trong các tình huống không mong muốn và kế hoạch cụ thể, khả thi cho việc đào tạo nguồn nhân lực của dự án này.
Ở khía cạnh này, bà Trịnh Thị Tú Anh, Phó chánh văn phòng đoàn ĐBQH -HĐND tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Chính phủ có chính sách tiếp tục đào tạo các kỹ sư trình độ cao, nhà nghiên cứu để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Bên cạnh đó, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) cần được hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý phát triển loại năng lượng này.
Điện hạt nhân là nguồn điện sạch, điện nền, công suất khả dụng cao, có khả năng cung cấp điện năng ổn định và giá thành hợp lý trong dài hạn. Thế giới hiện có 431 nhà máy điện hạt nhân vận hành tại 32 quốc gia. Có 8 nước như Nga, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Canada đã làm chủ công nghệ với công suất lớn, vượt trội, an toàn như thế hệ công nghệ hạt nhân thứ 3 và 3+.
Với Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương khẳng định phát triển nguồn điện này sẽ góp phần bảo đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai chữ số trong kỷ nguyên mới.
Anh Minh