Bão Yagi và hoàn lưu sau bão quét qua 26 tỉnh, thành phía Bắc và Thanh Hóa hôm 7/9 gây thiệt hại về người, tài sản. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, thống kê từ 20 địa phương số dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 80.000 tỷ đồng. Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 11.700 khách hàng bị ảnh hưởng, với dư nợ khoảng 23.100 tỷ đồng.

Sau yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đồng loạt đưa ra chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Trong khối ngân hàng có vốn Nhà nước, Vietcombank giảm 0,5% lãi suất cho các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão, từ 6/9 đến hết năm nay. Chính sách này áp dụng cho dư nợ hiện hữu và vay mới. Ngân hàng này ước tính gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ 130.000 tỷ được hạ lãi suất, tương ứng mức hỗ trợ 100 tỷ đồng.

Tại "ông lớn" Agribank - nhà băng chuyên cho vay lĩnh vực nông nghiệp - bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc cho biết khoảng 12.000 khách hàng với dư nợ 21.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ. Bà Bình cho hay con số này có thể tăng vì còn nhiều khu vực giao thông bị chia cắt, mất điện, mất liên lạc... ngân hàng chưa thống kê hết.

"Agribank dự kiến sẽ giảm 0,5 - 2% trên lãi suất đang áp dụng để hỗ trợ khách hàng, tùy theo mức độ thiệt hại", bà Bình chia sẻ.

tau-du-lich-bi-dam-bao-Yagi-Gi-3732-2665-1726470486.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aCsM4ho6MeSEYcszdKSRjA

Tàu du lịch bị bão Yagi đánh chìm tại Cảng quốc tế Tuần Châu, TP Hạ Long, Quảng Ninh, ngày 8/9. Ảnh: Giang Huy

Về phía các ngân hàng tư nhân, họ cũng đưa ra các chính sách giảm lãi vay 0,5-2% một năm cho cá nhân, hộ kinh doanh ở khu vực phía Bắc.

VPBank giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu và tài sản bảo đảm. Các khoản vay trung và dài hạn sẽ được giảm 1%, ngắn hạn hạ 0,5%. Chính sách này áp dụng từ 13/9 đến hết năm nay tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái...

Tại TPBank, nhà băng này giảm tối đa 50% số tiền lãi cho khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng bão, lũ đến hết tháng 1 năm sau. Chương trình có hạn mức tối đa 2.000 tỷ đồng và ngân hàng nhận đề nghị hỗ trợ từ khách hàng tới hết tháng 10.

BVBank cũng gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc cơ cấu lại nợ cho các khách hàng hiện hữu thiệt hại do bão lũ. Đồng thời, tùy vào mức độ thiệt hại do bão lũ, ngân hàng giảm lãi vay đến 2% một năm, tối đa 3 tháng cho các khách hàng đang vay vốn tại nhà băng. Với khách vay mới, nhà băng này áp dụng mức giảm 0,5%, tối đa 3 tháng so với lãi vay thông thường.

Từ nay đến hết năm, MSB cũng giảm lãi suất 1% cho khách hàng là hộ kinh doanh đang vay vốn tại ngân hàng này, thời gian vay lên đến 60 tháng.

Hiện tại, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng dao động từ 6,3-7,8%. Với mức giảm 0,5-2% lãi vay một năm từ phía các nhà băng, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bão Yagi có nguồn lực phục hồi sản xuất, làm ăn, từ đó có nguồn tiền hoàn trả lại ngân hàng. Tại cuộc họp tuần trước, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, lúc này "ngân hàng không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, trở thành 'chỗ dựa' cho doanh nghiệp".

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, khoảng 190.358 ha lúa bị ngập, hư hại chủ yếu ở Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội... Trên 48.720 ha hoa màu bị ngập úng, trong đó Hà Nội 11.678 ha, Nam Định 3.800 ha, Hải Phòng 3.321 ha. Cùng với đó, 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi, gây thiệt hại nặng nề cho bà con ngư dân tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư ước tính bão Yagi gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc, khiến GDP năm nay giảm 0,15% so với kịch bản trước đó. Chẳng hạn, Hải Phòng - một trong hai địa phương bị bão Yagi "càn quét" - chịu thiệt hại 10.820 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách toàn thành phố năm 2023. Quảng Ninh - nơi tâm bão đi qua - thiệt hại khoảng 23.770 tỷ đồng.

Quỳnh Trang

VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022