Gala trao giải diễn ra tại GEM Center, TP HCM. Với chủ đề "Celebrating Inclusive Entrepreneurship", ban tổ chức lần lượt xướng tên bà Trần Thị Vân Loan và những doanh nghiệp, nhà lãnh đạo đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời đề cao tinh thần kinh doanh toàn diện trong bối cảnh mới ở châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ tịch Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (CL-Fish) cho biết hạnh phúc khi nỗ lực của bà và tập thể cán bộ, nhân viên công ty được ghi nhận.
Tính đến 2024, bà Vân Loan có đến 21 năm lèo lái CL-Fish, đưa công ty từ quy mô gia đình, nhỏ gọn thành doanh nghiệp nghìn tỷ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM, xuất khẩu cá tra đến hơn 70 quốc gia và nhiều siêu thị nổi tiếng toàn cầu.
Giải APEA do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á (Enterprise Asia) tổ chức thường niên từ năm 2007, thu hút đông đảo công ty hàng đầu 16 quốc gia, thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương quan tâm. Mỗi năm có hơn 300 doanh nghiệp Việt đa ngành nghề đăng ký xét duyệt giải.
Bà Vân Loan nhận kỷ niệm chương dành cho "Doanh nhân xuất sắc châu Á", ngày 3/10. Ảnh: CL-Fish
Bà xúc động khi nhìn lại chặng đường đã qua, hạnh phúc vì mình có thể đi xa nhờ sự quyết đoán, táo bạo. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP HCM, bà gia nhập tập đoàn Fujitsu Nhật bản. Suốt 5 năm, bà tích lũy kinh nghiệm, rèn tính kỷ luật, sự chính xác và chuyên nghiệp trong sản xuất của người Nhật.
Năm 2003, bà quyết định về tiếp quản nghề truyền thống nuôi trồng cá tra của gia đình. Thành lập nhà máy chế biến, xuất khẩu CL-Fish cùng năm, bà theo đuổi triết lý kinh doanh: "Chân thật, thân thiện khi đàm phán, trung thực tuyệt đối trong chất lượng sản phẩm đã cam kết, đồng thời tôn trọng lợi ích người tiêu dùng và xây dựng chiến lược khách hàng là bạn bè, gắn bó, hợp tác lâu dài".
Vừa hoạt động, CL-Fish đối mặt khó khăn chung của ngành bởi lệnh cấm từ hai thị trường chính. Cụ thể, Mỹ ngừng nhập khẩu cá tra, phi lê sau vụ kiện chống bán phá giá. Còn châu Âu hạn chế và gần như không cấp code mới cho doanh nghiệp nhập thủy sản vào EU (gần hai năm) vì sự cố nhiễm malachite green (chất kháng sinh bị cấm). Trong tình thế bế tắc ấy, bà Loan quyết định chuyển hướng, khai thác thị trường châu Á vốn được cho là ít tiềm năng, đồng thời đưa sản phẩm vào Trung Đông.
"Phương án đưa sản phẩm vào Trung Đông thời điểm ấy rất táo bạo vì nơi đây bất ổn chính trị, lại xa lạ với Việt Nam. Tuy nhiên, bước đi này lại giúp chúng tôi lội ngược dòng và gặt hái được thành công ngoài mong đợi", bà Vân Loan cho hay.
Năm 2006, nhờ giải pháp xuất khẩu tốt, CL-Fish là một trong 200 đơn vị được Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế trao giải "Doanh nghiệp xuất sắc" (Business Excellence Awards). Một năm sau đó, thị trường châu Âu trở lại bình thường, Mỹ cũng dần mở cửa cho thủy sản Việt.
Bà Vân Loan tại sự kiện 3/10. Ảnh: CL-Fish
Tháng 9/2007, CL-Fish niêm yết sàn chứng khoán. Năm tiếp theo, dù kinh tế thế giới khủng hoảng, doanh thu công ty liên tục tăng nhờ bà Vân Loan cùng cộng sự vạch sẵn tầm nhìn, định hướng đúng đắn.
Từ 2011, CL-Fish bắt đầu xuất khẩu cá tra vào Mỹ, đạt doanh thu cao nhất lịch sử, kim ngạch xuất khẩu 55 triệu USD cùng lợi nhuận tốt.
Nhằm chủ động nguồn cung ứng nguyên liệu sạch, đáp ứng quy mô sản xuất, đồng thời cam kết xuất xứ đạt chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ và các nước châu Á, bà Vân Loan triển khai chuỗi liên kết dọc - từ sản xuất thức ăn, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ theo mô hình khép kín.
Nữ chủ tịch cũng đầu tư trang trại nuôi cá hơn 150 ha tại Đồng Tháp, An Giang, đạt chứng nhận BAP - thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất của Mỹ và ASC – chuẩn nuôi trồng bền vững do Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản châu Âu đánh giá.
Song song đó, bà định hướng CL-Fish tăng đầu tư mảng chế biến thức ăn thủy sản, công suất 100.000 tấn mỗi năm, vừa chủ động nguồn thức ăn chất lượng cao; vừa cung cấp ra thị trường qua nhãn hiệu Cửu Long Feed, góp phần tăng doanh số, lợi nhuận.
Năm 2018-2019, thị trường xuất khẩu phục hồi, trong nước lại gặp tình trạng khan hiếm nguyên liệu do thiếu hụt con giống. Bà Vân Loan tiếp tục lập kế hoạch, chiến lược phát triển cụ thể và lâu dài, nhờ vậy, công ty không gặp tác động nào. "Ngược lại, CL-Fish tận dụng lợi thế ấy để ổn định nguồn nguyên liệu, tăng khả năng cạnh tranh.
Đến nay, CL-Fish là một trong những thương hiệu cá tra, ba sa lớn trên thị trường, tiếp cận hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đơn vị là nhà cung cấp cho nhiều tập đoàn bán lẻ nổi tiếng toàn cầu, trong đó có Walmart, Hyper Panda, Siam Makro...
"Tôi kỳ vọng tạo dấu ấn cho cá basa, cá tra Việt Nam trên trường quốc tế và tiến sâu vào những thị trường khó tính, tiềm năng khác", bà nói thêm.
Hai con gái chúc mừng bà Trần Thị Vân Loan đạt giải "Doanh nhân xuất sắc châu Á 2024". Ảnh: CL-Fish
CL-Fish đạt được nhiều giải thưởng và thành tựu, cá nhân bà Vân Loan cũng nhiều lần được tổ chức, đơn vị trong nước lẫn quốc tế tôn vinh. Cụ thể, bà ba lần nhận giải Bông hồng Vàng, các năm 2010, 2013 và 2016. Trong đó, năm 2010, bà thuộc nhóm trẻ nhất là "Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu".
VCCI chọn bà là "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu khối doanh nghiệp trung ương" năm 2009, 2018. Nhiều năm liền, UBND tỉnh An Giang trao bà danh hiệu "Doanh nhân An Giang tiêu biểu".
Đông Vệ