Những năm gần đây, doanh nghiệp toàn cầu ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, với nhiều mức độ khác nhau. Các công ty áp dụng nhiều cách để giảm phát thải, từ việc thay thế sản phẩm, chuyển sang dùng năng lượng tái tạo đến hỗ trợ tài chính cho các dự án môi trường.

Giảm sử dụng đồ nhựa và đồ dùng một lần

Mỗi năm, 4-8% lượng dầu tiêu thụ trên toàn cầu là cho việc chế tạo đồ nhựa. Tỷ lệ này dự kiến lên 20% năm 2050. Việc này khiến các doanh nghiệp phải tìm cách giảm sử dụng đồ nhựa.

ThreadUP (Mỹ) - một trong các nền tảng bán đồ cũ trực tuyến lớn nhất thế giới - từ năm 2022 cũng bắt đầu thay thế các sản phẩm từ nhựa khi đóng gói hàng giao đi. Chuỗi cửa hàng café Starbucks hàng chục năm qua cũng nhiều lần ra mắt loại cốc mới, với mục tiêu giảm sử dụng nhựa. Hãng cũng áp dụng chương trình cho mượn cốc tại nhiều nước. Trong đó, khách hàng đặt cọc để sử dụng cốc của hãng. Cốc này sau khi hoàn trả sẽ được rửa sạch và khử trùng để tái sử dụng.

starbuck-1728638546-9998-1728639662.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=a8Ss0QjZ8nIb0nXYOUFegQ

Điểm trả cốc trong một cửa hàng của Starbucks tại Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Starbucks

Chuyển sang sản phẩm ít phát thải carbon

Các công ty có quy trình sản xuất phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, phát thải nhiều khí CO2 đang tìm cách giảm tác động từ việc kinh doanh lên môi trường. Ví dụ, một số hãng xe xăng lớn của thế giới gần đây bắt đầu sản xuất xe điện.

Hyundai (Hàn Quốc) hồi tháng 8 thông báo sẽ rót tiền sản xuất xe điện ở Đông Nam Á. Ford (Mỹ) thì làm xe điện từ năm 2011. Hãng đặt lộ trình đến năm 2030 sẽ bán hoàn toàn xe điện tại châu Âu, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch chính thức của EU về thời điểm cấm hoàn toàn xe động cơ đốt trong. Trong khi đó, General Motors bày tỏ tham vọng sẽ chỉ bán xe không phát thải năm 2035.

Hyundai-1-8998-1723269186-7972-1728639661.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lBJeTmriBl_8OqZuCXmHfQ

Mẫu xe điện của Hyundai tại một điểm giới thiệu ở Thái Lan. Ảnh: Hyundai

Stellantis - sở hữu các thương hiệu Jeep, Ram, Dodge và Chrysler - đã có lợi nhuận từ xe điện năm ngoái. Tháng 4/2022, Honda và GM hợp tác phát triển mẫu xe điện mới giá cả phải chăng. Ford và VW cũng ký thỏa thuận hợp tác sản xuất loạt xe điện mới trong vài năm tới.

Hàng không hiện cũng là một trong các ngành chịu trách nhiệm lớn nhất về biến đổi khí hậu, khi tạo ra 2,1% khí thải toàn cầu mỗi năm. Để giảm thiểu sức ép, Airbus đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển bay bền vững. Hãng này đặt mục tiêu ra mắt máy bay không phát thải, chạy bằng hydro năm 2035. Mục tiêu của họ là trung hòa carbon năm 2050.

Chuyển sang dùng năng lượng tái tạo

Hãng bán lẻ thời trang Patagonia (Mỹ) đặt mục tiêu trung hòa carbon năm 2025. Để làm được điều này, họ lắp đặt pin năng lượng mặt trời tại trụ sở ở Ventura (California) và trung tâm phân phối ở Reno (Nevada). Họ cũng dùng điện gió và nhiều loại năng lượng tái tạo khác ở các địa điểm khác.

Hãng bia New Belgium Brewing thì cho biết thương hiệu Fat Tire Amber Ale của họ là "loại bia đầu tiên tại Mỹ được chứng nhận là trung hòa carbon". Công ty này đã chuyển văn phòng vào các tòa nhà đạt chứng chỉ LEED - được công nhận là công trình xanh, tận dụng năng lượng mặt trời, năng lượng từ nước thải, đồng thời thu nhiệt và tái sử dụng nhiệt vào quy trình ủ bia.

Dành một phần doanh thu cho các nỗ lực bảo vệ môi trường

Một số công ty chọn cách chia sẻ tài chính với các sáng kiến bảo vệ môi trường. Patagonia đã trích 1% lợi nhuận mỗi năm để làm việc này 35 năm qua. Ngành may mặc hiện chiếm 10% khí thải carbon toàn cầu.

Nhiều ngân hàng Mỹ, từ JPMorgan Chase, Citi, Morgan Stanley đến Bank of America cũng cam kết đầu tư 1-2,5 triệu USD cho các sáng kiến về năng lượng sạch. Họ cũng tài trợ cho Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc tại các nước mới nổi, và hỗ trợ các sáng kiến giảm khí thải.

Hà Thu (tổng hợp)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022