Thông tin được ông Tưởng Nguyên Sự, Hiệu trưởng trường Tiểu học-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm, chia sẻ tại buổi góp ý dự thảo Luật Nhà giáo tại TP HCM do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, sáng 29/11.

Ông nói phấn khởi vì theo dự thảo, vai trò, vị trí của giáo viên trường ngoài công lập được công nhận, tương đương khu vực công. Nhưng ông đề nghị ban soạn thảo làm rõ các nội dung, yêu cầu về đạo đức nhà giáo, thi xếp hạng hoặc tuyển dụng với nhà giáo ở ngoài công lập.

Ngoài ra, dự thảo quy định tiền lương và các chính sách theo lương của nhóm này không ít hơn khu vực công lập là chưa chặt chẽ. Để đảm bảo tính khả thi, ông đề xuất sửa đổi theo hướng "bảo đảm mức tối thiểu, không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh".

"Chúng tôi hiện nay phải cố gắng trả gấp đôi hoặc cao hơn để thu hút nhà giáo. Luật chỉ là một cơ sở để ràng buộc thêm, đổi mới thêm và phát triển hơn nữa, nâng cao hơn nữa chứ không chỉ dừng ở đó", ông Sự nói.

Hieu-truong-Ngo-Thoi-Nhiem-2743-1732856837.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EsuI_vVnTZnk-UNRJCrwyw

Ông Tưởng Nguyên Sự trao đổi bên lề buổi góp ý dự thảo Luật Nhà giáo tại TP HCM, sáng 29/11. Ảnh: Lệ Nguyễn

Ông cho biết lương trung bình của giáo viên ở trường là 30,7 triệu đồng mỗi tháng, thấp nhất 14 triệu đồng. Nếu xét chung toàn trường, mức lương bình quân là 27,3 triệu đồng, thấp nhất 6,1 triệu (nhân viên tạp vụ), cao nhất là 137,8 triệu (cấp quản lý). Hàng năm, trường tính toán tăng lương khoảng 10%.

So với mặt bằng lương của giáo viên công lập, thu nhập của thầy cô trường Ngô Thời Nhiệm cao gấp đôi. Sau khi lương cơ sở tăng từ ngày 1/7, nhà giáo công lập nhận lương khoảng 6,6 đến gần 30 triệu đồng mỗi tháng.

Riêng tại TP HCM, vì có thu nhập tăng thêm lên tới 1,8 lần lương theo chính sách đặc thù của thành phố, giáo viên đạt mức cao nhất chừng 40 triệu đồng mỗi tháng.

"Phải có mức lương tốt, đãi ngộ hấp dẫn, cơ hội phát triển chuyên môn thì mới giữ chân được giáo viên, quản lý giỏi", ông Sự nhìn nhận.

Hiệu trưởng cho hay giáo viên, nhân viên của trường còn được thưởng dịp lễ, Tết, khi có thành tích cao và các phúc lợi khác. Con của giáo viên được miễn hoặc giảm học phí. Ngoài ra, trường xây chung cư để giáo viên, nhân viên ở nếu có nhu cầu.

Ngoài lương, họ còn cần môi trường tôn trọng, tin tưởng và tạo điều kiện phát huy năng lực chuyên môn. Hàng năm, trường hỗ trợ kinh phí và thời gian để giáo viên tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn do Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc các đơn vị khác tổ chức. Giáo viên học lên tiến sĩ sẽ được trường hỗ trợ 50-100% kinh phí.

"Với hàng loạt chính sách, đãi ngộ như vậy nên gần như toàn bộ giáo viên của trường thuộc diện cơ hữu. Điều này tạo sự gắn kết, ổn định trong đội ngũ, từ đó nhà trường mới phát triển", ông Sự nói.

Trường Tiểu học-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm được thành lập từ năm 1997, có gần 10.000 học sinh ở ba cơ sở tại TP HCM, Bình Dương. Số người lao động là gần 950, trong đó khoảng 440 giáo viên, tỷ lệ giáo viên cơ hữu đạt 98,56%.

Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022