Năm nay hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, tương đương 68,5% số dự thi tốt nghiệp, tăng khoảng 73.000 so với năm ngoái. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 4 lĩnh vực thu hút nhiều thí sinh nhất là Kinh doanh và Quản lý, Kỹ thuật và Công nghệ, Máy tính, Sư phạm.

Tính trong 3 năm vừa qua, đây là lần đầu tiên nhóm Sư phạm vào top 4 lĩnh vực có đông thí sinh đăng ký nhất. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn hôm 5/8 cho biết số nguyện vọng vào nhóm này tăng 85% so với năm ngoái (tăng khoảng 200.000 nguyện vọng).

Bộ chưa công bố số đăng ký cụ thể, song các trường đều nhận định nguyện vọng vào Sư phạm tăng.

TS Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết trường nhận được khoảng 40.000 nguyện vọng (cho cả ngành đào tạo giáo viên và ngoài sư phạm), tăng tương đương mức trung bình cả nước.

Trước đó, với các phương thức xét tuyển sớm, nhà trường đã ghi nhận số nguyện vọng tăng mạnh. Thí sinh đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực của trường tăng gấp 2,5 lần năm ngoái.

Tại trường Đại học Đà Lạt, tổng số nguyện vọng là khoảng 15.000. Con số này ở Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và TP HCM lần lượt là 32.900 và 51.600. Các mức này tăng khoảng 1,9-2,2 lần.

Từ thực tế trên, đại diện các trường Sư phạm cho rằng nhóm ngành đào tạo giáo viên thoát cảnh "chuột chạy cùng sào", trở nên hấp dẫn hơn.

"Khoảng 2-3 năm trở lại đây, số thí sinh đăng ký tăng, kéo theo điểm chuẩn tăng dần. Đây là tín hiệu đáng mừng", TS Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Đà Lạt, nhận định.

Theo ông Duy, các chính sách hỗ trợ của nhà nước đang dần phát huy tác dụng. Việc miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí 3,6 triệu đồng mỗi tháng, theo nghị định 116 năm 2020 giúp ngành thu hút được thí sinh, trong bối cảnh học phí đại học tăng cao.

Cùng đó, lương và đời sống của giáo viên dần được cải thiện qua các đợt tăng lương cơ bản. Nhiều địa phương như TP HCM có chính sách hỗ trợ thêm.

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, nói thêm công tác truyền thông về nhu cầu việc làm khối ngành này hiện rất tốt. Với con số còn thiếu lên tới hơn 100.000 ở khu vực công lập, cộng thêm nhiều trường tư thục mở rộng hoặc mở mới, thí sinh nhận thấy cơ hội việc làm rộng mở nên đăng ký nhiều hơn.

"Mọi năm, trường phải xin cho sinh viên đi thực tập. Nhưng từ năm ngoái, nhiều trường ngoài công lập đến tận nơi đề nghị sinh viên về thực tập", ông Thụ kể. "Điều này cho thấy nhu cầu tuyển dụng giáo viên hiện rất lớn, tác động đến lựa chọn của thí sinh".

thithpt-27-JPG-3040-1722931342.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aVICCn4iM_8sRDDLw55jBA

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Nguyện vọng tăng nhưng chỉ tiêu vào các ngành Sư phạm được Bộ Giáo dục và Đào tạo "siết chặt", chỉ tương đương năm ngoái.

Đây là khối ngành duy nhất mà Bộ phê duyệt chỉ tiêu, trong khi với các ngành khác, trường đại học được tự xác định. Số chỉ tiêu mà Bộ đưa ra dựa trên đặt hàng của địa phương, do đó thường thấp hơn so với năng lực đào tạo và mong mỏi của các trường.

Như Đại học Sư phạm Hà Nội ban đầu dự kiến tuyển hơn 2.600 sinh viên nhưng cuối tháng 6 giảm, chỉ còn hơn 2.200. Một số ngành chỉ còn ở mức duy trì lớp như Sư phạm Vật lý (15 chỉ tiêu), Sư phạm Hóa học (20), Sư phạm Sinh học (25), xét bằng nhiều phương thức.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 được Bộ giao tuyển gần 1.400 chỉ tiêu, giảm khoảng 40% so với số trường tự xác định. Nhiều ngành giảm mạnh như Sư phạm Vật lý (chỉ tiêu ban đầu là 244 xuống còn 20), Sư phạm Sinh học (205 còn 20).

Trường Đại học Sài Gòn cuối tháng 7 cũng thông báo điều chỉnh chỉ tiêu. Nhiều ngành giảm đến 50% so với đề án đã công bố. Hầu hết ngành đào tạo giáo viên của trường như Sư phạm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý chỉ tuyển 20 sinh viên.

Dù mức Bộ giao giảm so với dự kiến, nhiều trường khẳng định chỉ tiêu cuối cùng của khối ngành Sư phạm vẫn ở mức tương đương năm ngoái.

Một số ngành giảm như Sư phạm Hóa học, Vật lý, Sinh học, theo TS Trần Bá Trình, do những môn này trước đây là bắt buộc, giờ chuyển thành môn tích hợp ở bậc THCS và tự chọn ở bậc THPT, dẫn đến nhu cầu giảm.

Từ thực tế về số nguyện vọng, chỉ tiêu, cùng phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều trường dự báo điểm chuẩn các ngành Sư phạm tăng.

Với Đại học Sư phạm Hà Nội, TS Trình nhận định mức tăng chung có thể là 0,25-1 điểm. Một số ngành giảm chỉ tiêu so với năm ngoái như Sư phạm Vật lý, Hóa học, Sinh học, điểm chuẩn có thể cao hơn 1-2 điểm. Năm 2023, điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp vào trường là 18,3-28,42.

Còn tại Đại học Sư phạm TP HCM, TS Huỳnh Trung Phong, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển khởi nghiệp, trường Đại học Sư phạm TP HCM, dự báo điểm chuẩn các ngành Sư phạm Toán, Văn, Anh có thể chạm mốc 29, tăng 1-2 điểm. Các ngành khác thuộc nhóm đào tạo giáo viên cũng có thể tăng trong khoảng 1 điểm.

Ông Phong lý giải điểm thi khối A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), C00 (Văn, Sử, Địa) - tổ hợp xét tuyển chính của trường, đều tăng so với năm ngoái. Trong khi, chỉ tiêu từ xét điểm tốt nghiệp không nhiều, khoảng 10-60%, tùy ngành. Một số ngành còn chưa đến 10 suất.

TS Trần Hữu Duy của Đại học Đà Lạt dự đoán điểm chuẩn các ngành sư phạm cả nước gần như chắc chắn tăng bởi phổ điểm các khối tuyển sinh bằng hoặc tăng so với năm ngoái.

Dương Tâm - Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022