Một tuần sau trận lũ quét qua Làng Nủ khiến 66 người chết và mất tích, trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai, đón học sinh trở lại.

Phó hiệu trưởng Hoàng Thị Mai Hoa cho biết trường có hơn 330 học sinh, trong đó 13 em tử vong, 7 em khác đang nằm viện, đều ở Làng Nủ. Để tiện chăm sóc cho những học sinh còn lại của làng, trường đón 26 học sinh ở điểm trường lẻ (nằm trong thôn) ra trường chính, ở bán trú cùng khoảng 60 em đang ở đây.

Theo cô Hoa, hầu hết học sinh Làng Nủ không được hưởng chế độ bán trú theo quy định của Chính phủ, do khoảng cách từ nhà tới trường dưới 4 km (với học sinh tiểu học) và dưới 7 km (THCS). Song, huyện Bảo Yên và trường Phúc Khánh đánh giá hiện khu vực làng còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở nên chuyển tất cả ra trường chính tới hết học kỳ I.

23e55ba0-104a-41a2-b7b9-51e1f2-7587-2859-1726611590.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=G84hvMIyVrBV1oHAnxPcBQ

Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh trưng dụng lớp học làm phòng bán trú cho học sinh Làng Nủ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gắn bó với trường Phúc Khánh 8 năm, cô Hoa nói "buồn lắm" khi ngày đi học trở lại thiếu tới 13 học sinh. Hôm qua, cô vào từng lớp, dặn dò và động viên cô trò.

"Có một lớp 2, khi tôi vừa vào và mở lời, một em khóc luôn vì bạn rất thân của em ấy đã mất", cô nói. "Học sinh hiểu chuyện nên các con cũng rất buồn".

Việc tổ chức bán trú cho trẻ Làng Nủ khiến số học sinh ăn, ngủ tại trường Phúc Khánh tăng từ 90 lên khoảng 150. Cô Hoa nói đây là áp lực lớn với trường khi chỉ có 5 phòng bán trú (2 nam, 3 nữ), 12 ô vệ sinh, đều đã xuống cấp. Trước mắt, địa phương và trường tập trung kêu gọi, huy động thức ăn và chăn, gối cho trẻ. Sau vài ngày vận động, cô Hoa cho biết đồ dùng đã tạm đủ, còn phòng ở được trưng dụng từ lớp học.

"Chúng tôi cố gắng xin và dùng đúng nhu cầu, vì nhiều trường khác cũng rất khó khăn sau bão lũ", cô nói. "Nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi là sớm ổn định tâm lý, tinh thần của giáo viên và học trò sau mất mát".

Hai hôm vừa rồi, học sinh Phúc Khánh được trường và các nhóm thiện nguyện tổ chức trung thu với bánh kẹo, hoa quả. Theo cô Hoa, tinh thần chung là tập trung cứu trợ người dân sau bão lũ, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt của học sinh Làng Nủ, nên trường vẫn tổ chức một buổi lễ giản dị để động viên các em.

A-nh-ma-n-hi-nh-2024-09-18-lu-7608-3243-1726611590.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=seJXofwJz0gDVRcGuDfCpQ

Học sinh trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh trong buổi học ngày 16/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài trường tiểu học và THCS, xã còn có trường Mầm non số 1 Phúc Khánh. Trong đó, điểm trường Làng Nủ, nơi học tập của gần 30 trẻ từ 0 đến 5 tuổi, vẫn chưa thể đón học sinh trở lại.

Hiện, đây là điểm tập kết hàng cứu trợ và là nơi ăn, ngủ của lực lượng tìm kiếm. Ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên, cho biết trong tuần này, giáo viên sẽ dọn dẹp khuôn viên để các em có thể đến trường từ ngày 23/9.

Giải thích lý do không đưa trẻ mầm non Làng Nủ ra trường chính, ông Tuân cho hay do trẻ còn nhỏ, không tiện đi lại xa, nên huyện vẫn ưu tiên để các em được học gần nhà.

Cả huyện đã có gần 40 trên 68 trường hoạt động. Còn lại sẽ mở cửa trở lại vào ngày 23/9.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê bão Yagi khiến ngành giáo dục thiệt hại khoảng 1.260 tỷ đồng về cơ sở vật chất và thiết bị, trong đó 17 trường không thể khôi phục.

Điểm trường chính Nậm Kha của trường Mầm non Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, Lào Cai thuộc số này. Dù chưa đổ sập, điểm trường nằm ở vị trí có nguy cơ sạt lở rất cao, lại xa trung tâm xã 4-5 km, chưa thể đón trẻ trở lại. 6 điểm trường khác của trường Nậm Lúc cũng chưa thể mở cửa do có điểm bị sạt lở taluy nghiêm trọng.

Cô Trịnh Thị Nhung, Hiệu trưởng, cho hay trường có 7 điểm lẻ với 11 lớp (270 học sinh) nhưng chỉ có 23 cán bộ, giáo viên. Sạt lở, ngập lụt khiến các điểm trường, vốn chỉ là dãy nhà cấp 4 xây dựng cách đây 10-20 năm, bị cô lập. Có nơi, hầu hết bàn ghế, thiết bị dạy học, đồ chơi bị hỏng.

Từ 12/9, khi nước lũ rút, các giáo viên chia làm hai nhóm dọn dẹp. Trong đó, một nửa hỗ trợ dọn dẹp các khu vực trong xã, thông các con đường dẫn đến các trường, một nửa dọn bùn non, vệ sinh phòng học, bàn ghế, thiết bị... Ngày nào, các cô cũng dọn từ 7h30 đến 5h chiều nhưng đến nay, các điểm trường vẫn chưa thể đảm bảo an toàn để đón trẻ.

"Xã phải tập trung tìm người mất tích sau vụ sạt lở ở thôn Nậm Tông, thông đường. Phụ huynh cũng phải lo dọn dẹp nhà nên chúng tôi phải tự lực dọn trường", cô Nhung cho biết. "Các giáo viên đều là nữ, sức có hạn. Đường nhỏ máy xúc không thể vào nên các cô vừa phải xúc đất đá, vừa chở đi đổ, rất vất vả".

Một điều may mắn, theo cô Nhung, là khi có dự báo mưa lũ, các giáo viên chủ nhiệm đã sơ tán được hết đồ dùng cá nhân của trẻ nên không ảnh hưởng. Tất cả đang dốc sức sắp xếp lại để tuần tới có thể đón học sinh ra lớp. Riêng điểm trường chính Nậm Kha, cô Nhung hy vọng được xây mới càng sớm càng tốt, gần trung tâm xã hơn, tránh nguy cơ sạt lở.

a210757a-26cc-4d8c-b1d4-dcada4-7599-1864-1726611591.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AX5pN4Ei047_-FuAhE45WQ

Đường Hồ Xuân Hương trước cổng trường Tiểu học Yên Ninh, Yên Bái, vẫn ngập rác sau lũ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tại Yên Bái, sau những ngày bị ngập 2-3 m, hiệu trưởng Nguyễn Thị Bình của Tiểu học Yên Ninh, thành phố Yên Bái, nói trường "như quay về thời bao cấp".

Cô Bình cho hay trường có hai cơ sở với hơn 630 học sinh, lần lượt nằm trên đường Hồ Xuân Hương và đường Yên Ninh. Trong đó, một điểm bị ngập tới 3 m, thuộc nhóm ngập sâu nhất thành phố vì ở gần sông; điểm còn lại hứng chịu khoảng 1.000 m3 đất đá, sạt từ quả đồi gần trường.

Ở cơ sở Hồ Xuân Hương, lũ gần như phá hỏng tất cả, từ bàn ghế tới cửa, cùng các thiết bị học tập khác. Còn cơ sở Yên Ninh không hư hại về cơ sở vật chất, nhưng đứng trước nguy cơ mất an toàn do sạt lở. Đất đá tràn xuống sân trường, làm đứt đường dây điện, đổ cổng và nhà xe.

Ngoài huy động giáo viên tới dọn dẹp, kêu gọi địa phương, trường học khác cho mượn bàn ghế, đồ dùng, trường phải thuê một số đơn vị mang máy móc để dọn dẹp, sửa chữa, chưa thanh toán tiền.

"Cơ sở Hồ Xuân Hương nợ 41 triệu đồng, bên cơ sở Yên Ninh chưa dọn xong nhưng có thể gần 200 triệu do quá nhiều hạng mục phải khắc phục", cô Bình nói. "Chưa bao giờ trường lại lâm vào cảnh giật gấu vá vai như thế này".

Cô Bình cho hay dự kiến trong tuần này, khi đảm bảo an toàn và có điện, nước sạch, bàn ghế, hai trường sẽ đón học sinh ngay, còn lại sẽ tiếp tục sửa chữa. Về khoản nợ hơn 200 triệu đồng, cô cho biết sẽ tìm cách xin địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ, được phần nào tốt phần đó.

"Dù khó khăn, không thể để trẻ em ở nhà quá lâu", cô nói.

afad98a2-b7bb-4804-a591-f8951b-9249-3864-1726611591.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dnt38VzyBD_uZ5iWVjWvHA

Trường Tiểu học Yên Ninh cơ sở nằm ở đường Yên Ninh bị đất đá trên đồi sạt xuống khuôn viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường học ở 18 tỉnh, thành phía Bắc mất gần 41.600 bộ sách giáo khoa. Gần 100 trường học hiện chưa thể xác định thời gian đón học sinh.

Bão Yagi và sạt lở sau đó còn khiến 52 học sinh, trẻ em và 3 giáo viên tử vong; một số học sinh, giáo viên mất tích hoặc bị thương.

Hằng Tâm

VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022