Thông tin do bà Renee Deschamps, Phó đại sứ Australia tại Việt Nam, cung cấp. Lý do đầu tiên là số hồ sơ xin visa tăng cao, khiến bộ phận xét duyệt bị quá tải. Không tiết lộ cụ thể, song bà Deschamps ước tính số lượng tăng khoảng 50% so với năm ngoái.

Thứ hai là Australia muốn tập trung vào chất lượng hồ sơ, khắt khe hơn, nhằm đảm bảo đó là những người có nhu cầu học thực sự, không phải sang để đi làm hay mục đích khác. Việc này cũng nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục, điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh quốc tế.

Ngoài yêu cầu chứng minh tài chính, bộ phận xét duyệt còn kiểm tra thư mời, xem xét trường học, khóa học, hồ sơ học thuật và chứng chỉ ngoại ngữ của học sinh.

Bà Deschamps cho hay hiện các trường đại học ở Australia đều có tài liệu hướng dẫn cụ thể cho học sinh quốc tế. Thông tin cần có trong hồ sơ xin visa cũng được Bộ Di trú nêu chi tiết trên website.

"Hãy hộp hồ sơ sớm, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và đảm bảo rằng các tài liệu đều được dịch sang tiếng Anh, tránh việc phải bổ sung gây mất thời gian", bà Deschamps cho biết.

Bên cạnh đó, bà khuyến khích ứng viên kết nối với các du học sinh ở Australia để hỏi kinh nghiệm.

0c44c5b2-8ffd-4cf9-9183-afcf3f-4368-7102-1723444997.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Cfre40GRwL-h2SlzaX4S8Q

Bà Renee Deschamps phát biểu tại Ngày hội thông tin của Đại học Quốc gia Australia, hôm 4/8 tại Hà Nội. Ảnh: ANU

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Australia, tính đến hết tháng 4, số du học sinh Việt Nam ở đây là hơn 37.000 người, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số trung tâm du học và đại diện tuyển sinh của các trường ở Australia, cho biết trước đây, thời gian xin thị thực du học chỉ khoảng 1 tháng.

Còn báo cáo của Bộ Nội vụ nước này cho thấy 12.600 du học sinh Việt được cấp thị thực trong vòng 10 tháng, kể từ tháng 7 năm ngoái. Số này chiếm khoảng 78,7% số đăng ký, là tỷ lệ thấp nhất trong 18 năm qua.

Nhóm bị từ chối nhiều nhất là diện du học nghề và học tiếng Anh, tỷ lệ đơn không được phê duyệt lần lượt 46,8% và 48,4%, trong khi các năm trước đây đều chưa đến 40%.

Australia là một trong những điểm đến du học hấp dẫn nhất thế giới, cùng với Mỹ và Canada. Học phí với sinh viên quốc tế phổ biến ở mức 24.000-52.000 AUD (480-860 triệu đồng) một năm, theo IDP.

Hồi năm 2022, Australia đưa ra nhiều chính sách cởi mở nhằm thu hút lao động sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, làn sóng công nhân và sinh viên nước ngoài tràn vào đã tăng áp lực lên thị trường nhà ở.

Nước này sau đó liên tiếp siết các quy định với du học sinh. Từ tháng 2, thời gian cho sinh viên quốc tế ở lại sau tốt nghiệp chỉ còn 2-4 năm, thay vì 4-6 năm như trước. Vào tháng 3, yêu cầu tiếng Anh để nhập học tăng 0.5 điểm, lên mức 6.0-6.5 IELTS. Ngoài ra, du học sinh phải làm bài kiểm tra The Genuine Student, nhằm đảm bảo thị thực được sử dụng cho mục đích học tập. Đơn xin thị thực lần hai nhằm kéo dài thời gian lưu trú sẽ bị giám sát chặt hơn.

Đến đầu tháng 5, Australia tăng mức chứng minh tài chính lên 29.710 AUD (gần 500 triệu đồng), tăng hơn 20%. Từ tháng 7, phí thị thực du học là 1.600 AUD (hơn 27 triệu đồng), tăng hơn gấp đôi mức cũ.

anu-9676-1723173592.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QdBwNkgUDekbiYzURFkDsQ

Đại diện Đại học Quốc gia Australia giới thiệu chương trình học cho học sinh ở Hà Nội, hôm 4/8. Ảnh: ANU

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022