Ngày 17/1, sân trường Đại học Hà Nội rộn ràng các hoạt động Tết dành cho sinh viên nước ngoài. Những bài hát về mùa xuân vang lên cùng các màn múa lân đặc sắc và vui nhộn.

Ở một góc check-in với hoa đào, hoa mai, bánh chưng, câu đối, các nữ sinh xúng xính chụp ảnh trong trang phục áo dài. Nhiều sinh viên khác túm tụm xem viết thư pháp, nặn tò he, tham gia các trò chơi truyền thống như nhảy sạp.

Khu vực ẩm thực đông nhất. Song Jinkyu, người Hàn Quốc, cho biết bị hấp dẫn bởi mùi thơm của nem rán. Chàng trai 28 tuổi được hướng dẫn trải bánh đa nem, dàn nhân gồm trứng, thịt lợn xay, miến, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, cà rốt... lên bề mặt rồi cuốn.

"Món này không khó làm. Quan trọng bạn phải quấn vừa đủ chặt, nếu không khi rán sẽ vỡ", Song nói.

du-hoc-sinh3-1737097763-5780-1737098480.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Yj5ZgHp9G1Ra6y8g_2yakg

Song Jinkyu (bìa trái) tập gói nem, sáng 17/1. Ảnh: Bình Minh

Song đã tốt nghiệp ngành Thương mại ở Đại học Yeonsung, hiện là sinh viên năm thứ nhất khoa Việt Nam học. Anh cho hay đây là lần đầu tiên đón Tết cổ truyền ở Việt Nam. Sau khi quấn nem, Song đứng rán và chờ đợi được thưởng thức.

Ở góc khác, Lý Na và Vương Văn, du học sinh Trung Quốc, cũng lần đầu học gói bánh chưng. Anh Văn cho biết gói bằng tay nên chiếc bánh không vuông vắn và đẹp mắt như bánh gói khuôn.

"Công đoạn khó nhất là gấp và xếp các lớp lá lên nhau", Na nói.

Theo Na, Trung Quốc cũng có một loại bánh tương tự nhưng nhỏ hơn. Ở quê hương Đại Lý, tỉnh Vân Nam của cô, người dân thường ăn sủi cảo, cá vào dịp Tết.

Trong khi đó, Azzurra, người Ba Lan, bị thu hút với các trò chơi. Azzurra thích xem múa lân và nhảy sạp nhưng chưa dám thử vì sợ bị kẹp chân. Cô đang học khoa tiếng Việt ở Đại học Adam Mickiewicz, sang Việt Nam theo chương trình trao đổi 6 tháng.

du-hoc-sinh-1737097792-4123-1737098480.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XaZlSs_bZ0YhFH0Ax09m_w

Lý Na (bìa phải) cùng các bạn đồng hương khoe bánh chưng tự gói, sáng 17/1. Ảnh: Bình Minh

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng khoa Việt Nam học, Đại học Hà Nội hiện có hơn 700 du học sinh. Trong dịp Tết sắp tới, khoảng 450 người ở lại. Các hoạt động Tết nhằm giúp sinh viên hiểu được ý nghĩa, văn hóa và các phong tục ở Việt Nam.

"Ngoài học ngôn ngữ, họ cũng cần hiểu được những điều trên để tăng gắn kết, yêu thương và sẻ chia với người Việt", cô nói.

Cô Xuân cho hay trường sẽ tổ chức cho các sinh viên đi chợ sắm đồ, đến chúc Tết và ăn bữa cơm năm mới ở nhà thầy cô.

du-hoc-sinh2-1737097777-3734-1737098480.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=n-HBw8-ns5HVyHATkkfnuA

Khu vực trò chơi truyền thống thu hút đông du học sinh, sáng 17/1. Ảnh: Bình Minh

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022