Thương, 23 tuổi, là sinh viên năm cuối chuyên ngành Khí tài quang và Quang điện tử, khoa Vũ khí, Học viện Kỹ thuật quân sự. Dù từng chủ trì hai đề tài đạt kết quả xuất sắc cấp học viện, là tác giả một số bài báo đăng trên tạp chí trong nước, hội thảo quốc tế, Thương vẫn bất ngờ khi được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ.
"Mình biết nhiều bạn có thành tích nghiên cứu xuất sắc nên xác suất trở thành một trong 20 nữ sinh được vinh danh rất nhỏ", Thương nói.
Hoàng Thị Thương. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thương là cựu học sinh trường THPT Lương Đắc Bằng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Mơ ước được rèn luyện trong môi trường quân đội từ nhỏ, Thương thường xuyên theo dõi thông tin về các trường khối này.
Vốn đam mê Toán và Vật lý, thích tìm hiểu những hiện tượng và ứng dụng liên quan, Thương thích thú khi xem được một đoạn video về flycam tự cải tiến của các học viên Học viện Kỹ thuật quân sự. Thấy "rất ngầu", Thương quyết định đăng ký xét tuyển và trúng tuyển năm 2019.
Các trường khối quân sự không cho chọn chuyên ngành từ đầu. Ngay khi nhập học, Thương phải tham gia khóa huấn luyện quân sự kéo dài 6 tháng tại trường Sĩ quan lục quân 1. Trở về trường sau thời gian huấn luyện vất vả, có những ngày mang 20 kg tư trang đi 5 km dưới mưa, Thương thêm hoang mang khi được phân vào chuyên ngành Khí tài quang và Quang điện tử.
"Mình rất bất ngờ vì trước đó muốn vào ngành Công nghệ thông tin. Mình không hiểu Khí tài quang là gì, chỉ biết chuyên ngành này nổi tiếng khó và hầu như chỉ dành cho nam giới", Thương nhớ lại. "Mình tự hỏi liệu có học nổi không".
Nữ sinh dành cả tháng đầu để tìm hiểu những kiến thức cơ bản nhất về chuyên ngành thông qua anh chị khóa trên và tài liệu. Thấy được tìm hiểu về các thiết bị quan sát trong quân sự như ống nhòm, Thương bắt đầu thấy thú vị.
Thương thực hành điều khiển máy tiện trong học phần Thực tập cơ khí. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Xác định sẽ tham gia nghiên cứu khoa học, Thương sớm xin tham gia đề tài. Lần đầu, Thương vào nhóm tìm hiểu lĩnh vực tâm lý học bởi chưa học nhiều về chuyên ngành, lại muốn làm quen với phương pháp nghiên cứu.
Dù không liên quan đến ngành học, Thương thu nhận được nhiều điều, từ khả năng quan sát, đánh giá vấn đề đến các kỹ năng mềm và tính kiên trì. Đây là tiền đề để sang năm thứ ba, Thương nhận chủ trì đề tài "Nghiên cứu chế tạo vi laser bằng máy in thương mại".
Thương kể hoàn thành đề tài sau 10 tháng. Tuy nhiên, không ít lần nữ sinh và các bạn cảm thấy bế tắc. Bởi trong suốt 7-8 tháng đầu, cả nhóm vẫn không tìm ra hướng đi, dù đã thử nghiệm nhiều lần.
"Thật không hề dễ chịu. Nhưng mình yêu cảm giác khi vấn đề được giải quyết", Thương chia sẻ.
Sau đó, nữ sinh chủ trì thêm một đề tài khác là "Nghiên cứu xây dựng mô hình thiết bị phun vi giọt trong chế tạo vi laser", được Học viện Kỹ thuật quân sự đánh giá đạt mức xuất sắc.
Thời gian này, Thương có hai bài báo đăng trong kỷ yếu Hội nghị Khoa học tự nhiên cho các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh và học viên cao học đến từ các nước Đông Nam Á, và hội nghị quốc tế về khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano.
Thương cũng là đồng tác giả một bài báo đăng trên tạp chí Communication in Physics của Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đạt giải khuyến khích cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội.
Về học tập, nữ sinh hiện có điểm tổng kết 8.5/10, từng đạt giải ba Olympic Toán học sinh, sinh viên toàn quốc.
"Mỗi thành tích đạt được đều đặc biệt, cho thấy sự kiên trì, nỗ lực và kỷ luật của bản thân", Thương nhìn nhận.
Thương thực hành khảo sát mẫu trong nghiên cứu khoa học. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Dạy và hướng dẫn Thương nghiên cứu gần ba năm qua, PGS.TS Tạ Văn Dương, Trưởng phòng Thí nghiệm, Bộ môn Khí tài quang học, khoa Vũ khí, đánh giá học trò có tinh thần tự giác cao, chịu khó học hỏi, tác phong làm việc khoa học và khả năng giải quyết vấn đề tốt.
"Tôi chỉ cần đưa ra vấn đề và một số gợi ý, Thương sẽ chủ động lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho nhóm, tự nghiên cứu tài liệu và kiên trì thực hiện các thí nghiệm liên tục cho đến khi đạt được kết quả", thầy Dương nói.
Thầy cũng ấn tượng với sự khéo tay của Thương. Nữ sinh từng tự tay đan tặng thầy một bó hoa hướng dương bằng len, nhân dịp 20/11.
Đan len hay nghe nhạc, đọc sách là cách Thương tái tạo năng lượng sau những tuần học tập và rèn luyện cường độ cao. Trong môi trường quân đội, học viên phải chấp hành nghiêm 11 chế độ trong ngày cùng rất nhiều nhiệm vụ khác. Điều này buộc Thương phải sắp xếp kế hoạch rất cụ thể để có thời gian tự học, tự nghiên cứu nhưng vẫn phải có thời gian thư giãn, tránh stress.
Thương sẽ tốt nghiệp vào tháng 12. Nữ sinh dự định học thạc sĩ để tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.
"Mình mong muốn được cùng các thầy cô ở trường tham gia các đề tài lớn hơn và đóng góp được nhiều kết quả thiết thực hơn", Thương nói.
Dương Tâm