Phạm Thục Hà Vy hiện là học sinh lớp 12H, trường TH School. Ba ngôi trường mà nữ sinh trúng tuyển là Đại học Hong Kong (HKU), Baptist Hong Kong và Trung văn Hong Kong (CUHK).

Theo xếp hạng đại học 2025 của Times Higher Education, HKU ở vị trí thứ 35 thế giới, CUHK hạng 44, còn Baptis hạng 251-300. Vy cho biết sẽ chọn theo học ngành Tâm lý ở CUHK với học bổng 100% học phí - khoảng 22.000 USD một năm.

"Em vỡ òa trong niềm vui sướng. Với kết quả này, gia đình sẽ bớt gánh nặng về kinh tế khi cho em du học", Vy nói.

nu-sinh-1739956558-6301-1739956670.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CtLlRf62og7glShHRzsBhA

Phạm Thục Hà Vy. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vy nói ước mơ du học từ năm lớp 8, sau khi xem video của các du học sinh người Việt trên youtube. Được học bổng vào TH School, em được tiếp thêm động lực khi xung quanh nhiều bạn bè có mục tiêu du học. Nữ sinh tự tìm hiểu thông tin và bắt tay làm hồ sơ.

Vy cho biết muốn đi học ở Hong Kong một phần vì gần và chi phí phù hợp với điều kiện gia đình. Hơn nữa, dohọc môn Tâm lý trong chương trình A-Level (chương trình phổ thông Anh), em sẽ được miễn17 tín chỉ ở đại học, rút ngắn thời gian ra trường.

Năm lớp 10, Vy tập trung hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là tranh biện. Em từng thi đấu và giành giải ở các cuộc thi như tranh biện mở rộng Makuhari 2022, Nghị viện Anh 2024, giải vô địch trung học Hà Nội 2024. Vy cũng tham gia tổ chức một số giải đấu và là chủ tịch câu lạc bộ tranh biện Laconia Debate Society.

Từ năm lớp 11, nữ sinh tập trung hơn vàohọc để đạt điểm số tốt.Vy xây dựng kế hoạch học tập chi tiết, đặt mục tiêu theo ngày, tháng. Ví dụ, một ngày em học 4-6 tiếng và làm 1-2 đề A-Level. Thời gian rảnh, em chơi bóng đá, bóng rổ để giải trí.

Nhờ nỗ lực và tính kỷ luật cao, Vy đạt điểm dự đoán A* ở ba môn, cùng 8.0 IELTS.

Ngoài kết quả học tập và ngoại khóa, các đại học ở Hong Kong yêu cầu một bài luận khoảng 1.000 từ, ứng viên cần giải thích lý do chọn ngành học và kế hoạch tương lai.

Bài viếtcủa Vy kể về đam mê tâm lý học hành vi. Năm ngoái, gia đình em nhận đỡ đầu một bé gái có hoàn cảnh khó khăn, ít được quan tâm, bị ảnh hưởng tâm lý. Cô bé học lớp 2 nhưng vẫn chưa thể đọc và viết.

Vy nhìn nhận điều này cho thấy môi trường và quá trình nuôi dạy đã tác động đến sự phát triển cảm xúc, nhận thức của trẻ nhỏ. Từ đó, em hiểu về tầm quan trọng của tâm lý trong đời sống.

Nữ sinh sau đó đọc nhiều sách liên quan như Psychology of Persuasion (tạm dịch: Tâm lý thuyết phục) hay Social Animal (Động vật xã hội). Em còn tham gia dự án In Your Soul nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề tâm lý ở người trẻ, bằng cách dịch các bài viết và tổ chức những buổi chia sẻ về chủ đề này. Ngoài ra, Vy là thành viên dự án hỗ trợ trẻ em bại não ở Hà Nội.

Bài viết kết lại với mong ước trở thành bác sĩ tâm lý học để sau này giúp được nhiều trẻ em Việt Nam hơn.

Ở vòng phỏng vấn, Vy gặp đại diện trường trong 30 phút. Ngoài những câu hỏi về cá nhân, người phỏng vấn muốn làm rõ vì sao với các thế mạnh như tranh biện và có thể phát triển trong các ngành liên quan đến xã hội nhưng Vy vẫn chọn Tâm lý.

Theo Vy, ngành này quan trọng với em về mặt tinh thần. Em thấy vui và cuộc sống ý nghĩa hơn khi hỗ trợ được những người khác. Vy cũng học môn Tâm lý với một niềm hứng thú và yêu thích.

Hơn một tuần sau cuộc phỏng vấn, nữ sinh nhận kết quả trúng tuyển.

nu-sinh1-1739956578-9694-1739956671.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cOM1NmeBAnRxo1zGJ3OzSw

Vy cùng gia đình trong dịp Tết vừa qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo cô Đặng Ngọc Huyền, cố vấn học tập của Vy ở trường, nữ sinh chăm chỉ, chủ động, đặc biệt kiên định trong việc chọn ngành và trường.Vy luôn chuẩn bị câu hỏi cho cô, liệt kê những việc cần làm và có chiến lược bài luận rõ ràng.

"Con có nền tảng giáo dục chắc chắn, sự sát sao của gia đình và sự chín chắn trong tính cách. Tôi tự tin khi gửi hồ sơ của Vy ứng tuyển các trường", cô Huyền nói.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022