Chiều 8/8, hội trường đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nhộn nhịp học sinh, sinh viên cùng người nhà tới nhận giấy nhập học cho ứng viên trúng tuyển học bổng chính phủ Trung Quốc (CSC). Đây là học bổng diện Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển chọn.

Dưới hàng ghế, nữ sinh có mái tóc tém, diện áo trắng thắt thơ hồi hộp đan tay vào nhau chờ được gọi tên. Trần Xuân Anh là tân sinh viên ngành Kỹ thuật Y sinh của Đại học Thanh Hoa, ngôi trường hàng đầu Trung Quốc và trong top 20 thế giới, theo xếp hạng đại học QS 2025.

Đây là lần thứ hai cô gái 19 tuổi có mặt tại hội trường này. Năm ngoái, Xuân Anh đến ủng hộ chị gái song sinh đỗ học bổng.

"Em rất vui", Xuân Anh, cựu học sinh lớp chuyên Sinh, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams), nói. "Những nỗ lực của em cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng".

hoc-bong-1409-1723521155.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8QIBbOIu6QgZKTGgTNN1Pg

Xuân Anh và mẹ trong lễ trao giấy nhập học tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, hôm 8/8. Ảnh: Bình Minh

Xuân Anh và chị gái sinh ra ở Trung Quốc, nhưng lớn lên tại Việt Nam. Năm lớp 5, cả hai theo bố mẹ trở lại Trung Quốc và học ở đó trong hơn ba năm. Không chỉ học tốt văn hóa, Xuân Anh tham gia các môn thể thao, nghệ thuật và giành vô số giải thưởng. Lúc ở Trung Quốc, em từng đạt giải nhì môn Toán kỳ thi học sinh giỏi THCS thành phố Bắc Kinh, giải ba hợp tấu và độc tấu violin, biểu diễn trong dàn nhạc giao hưởng và giành huy chương trong một số giải chạy...

Trở về Việt Nam, ngoài học chương trình phổ thông, em còn theo học hệ trung cấp chuyên nghiệp khoa Đàn dây của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Gia đình Xuân Anh vốn có truyền thống du học, cả ông bà và bố mẹ đều từng giành học bổng Hiệp định. Vì thế, hai chị em được định hướng xây dựng hồ sơ du học từ sớm.

Để cạnh tranh học bổng, nữ sinh xác định phải tích lũy thành tích về học thuật, chứng chỉ quốc tế SAT, ngoại ngữ, tham gia các hoạt động ngoại khóa, từ thiện để chứng minh kỹ năng xã hội, khả năng lãnh đạo, giao tiếp và gắn kết mọi người.

Xuân Anh từng làm chủ tịch câu lạc bộ âm nhạc ở trường Ams, đạo diễn chương trình âm nhạc thính phòng gây quỹ tại Nhà hát lớn... Nữ sinh cũng đạt giải ba quốc gia môn Tiếng Trung, giải khuyến khích thành phố môn Sinh học, duy trì điểm trung bình học tập trên 9,3. Ngoài ra, em có chứng chỉ Hán ngữ quốc tế HSK cấp 6 (cao nhất), IELTS 7.0 và chứng chỉ tiếng Nhật N5.

Năm ngoái, Xuân Anh và chị gái cùng đỗ Đại học Thanh Hoa. Nhưng vì muốn học ở châu Âu, em đã không nộp đơn ở vòng xin học bổng như chị. Sau đó, Xuân Anh cũng lỡ hẹn với học bổng chính phủ Hungary do chưa đủ 18 tuổi. Em xin bảo lưu kết quả ở Thanh Hoa để học nốt năm cuối Nhạc viện, rồi ứng tuyển học bổng vào năm sau.

Theo quy định, muốn đăng ký học bổng Hiệp định, Xuân Anh bắt buộc là sinh viên năm nhất một trường đại học, có điểm trung bình kỳ 1 năm thứ nhất đạt từ 7 trở lên. Vì thế nữ sinh chọn theo học ngành Công nghệ thông tin ở Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, nhằm theo đuổi lĩnh vực Tin học Y sinh sau này.

hoc-bong2-5548-1723521155.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Cl8ui14Ta-mE3cm2L79uJA

Xuân Anh trong một buổi biểu diễn violin tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm nay, ứng viên học bổng CSC phải trải qua vòng tuyển chọn của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, phỏng vấn tại đại sứ quán Trung Quốc và thi ba môn Toán, Lý, tiếng Trung.

"Em đã rất lo", nữ sinh chia sẻ.

Nhờ có nền tảng tốt các môn tự nhiên và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Xuân Anh lần lượt vượt qua các vòng và nhận thông báo đỗ đợt đầu tiên vào tháng 6.

Xuân Anh cho hay một năm qua "cực kỳ bận rộn" vì học hai trường, chuẩn bị hồ sơ và học thêm một số kỹ năng mới. Nhờ biết sắp xếp thời gian, em đạt mục tiêu tốt nghiệp loại giỏi ở Nhạc viện, đạt điểm A+ ở học kỳ 1 của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, có chứng chỉ Công nghệ thông tin, Nghiệp vụ sư phạm và bằng lái ôtô.

Chị Quỳnh Nga, mẹ Xuân Anh, cho biết từ nhỏ, con gái có thói quen lập kế hoạch cho ngày hôm sau, luôn đánh giá kết quả vào cuối ngày. Nhờ đó, nữ sinh quen với việc phân chia thời gian để hoàn thành nhiệm vụ mà không gặp nhiều áp lực.

"Xuân Anh chủ động, có khả năng tự học và luôn nghiêm túc trong mọi việc", chị Nga nói. "Con luôn bắt đầu và kết thúc một ngày bằng việc chơi piano và violin".

Theo chị Nga, việc tích lũy thành tích, kỹ năng giúp hội đồng xét duyệt nhìn thấy một Xuân Anh toàn diện, không chỉ học tốt mà còn đam mê nghệ thuật, tích cực trong hoạt động cộng đồng.

Cô Bùi Thị Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên Sinh, vui mừng khi biết tin vui của học trò. Ba năm đồng hành cùng Xuân Anh ở trường Ams, cô đánh giá em thông minh, năng động, thân thiện và đa tài.

"Em ấy rất tình cảm. Dù đã tốt nghiệp, Xuân Anh vẫn thường xuyên nhắn tin thăm hỏi, chúc mừng các thầy cô trong những dịp quan trọng", cô Hà chia sẻ.

Xuân Anh đã sang Trung Quốc nhập học. Nữ sinh dự định học lên cao hơn sau này và tham gia các dự án nghiên cứu khoa học.

Xuân Anh cho hay để ứng tuyển học bổng Trung Quốc, chứng chỉ HSK, học bạ ba năm cấp 3 và các giải thưởng là quan trọng nhất. Ngoài ra, ứng viên có chứng chỉ tiếng Anh IELTS cũng là một lợi thế. Nữ sinh gợi ý các ứng viên chuẩn bị sớm và cố gắng đạt điểm cao nhất.

"Ngoài ra, nên có nhiều hoạt động đa dạng để khẳng định vai trò của bạn khi ở trong một tập thể, cũng như làm rõ được sự cống hiến của bản thân cho xã hội sau này", Xuân Anh nói.

hoc-bong1-4022-1723521155.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mpJbbiTVsaLcRl2pbGuSLA

Xuân Anh (trái) cùng chị gái trong một dịp tới thăm cô Hà. Ảnh: Cô giáo cung cấp

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022