Cả nước hiện có hơn 50 trường đào tạo về công nghệ sinh học. Năm nay, các trường sử dụng đa dạng tổ hợp, thường có Toán và Sinh để xét tuyển. Ngoài ra, một số trường dùng thêm tổ hợp khác, như A00 (Toán, Lý, Hóa), D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh) ở Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; X08 (Toán, Vật lý, Công nghệ), D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), C03 (Toán, Ngữ văn, Lịch sử), X13 (Toán, Sinh học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật) ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam...
Chương trình ngành Công nghệ Sinh học ở các trường có khoảng 133-157 tín chỉ. Ngoài kiến thức đại cương, cơ sở ngành, mỗi trường có hướng đào tạo chuyên sâu riêng.
PGS.TS Phạm Thế Hải, Trưởng khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cho biết trường đào tạo người học sâu hơn về các công nghệ dựa trên sinh học, với nền tảng kiến thức cốt lõi là sinh học phân tử - tế bào, di truyền học, vi sinh vật học, hóa sinh học, công nghệ sinh học động vật và thực vật.
Sinh viên có thể lựa chọn theo đuổi nhiều lĩnh vực chuyên sâu như công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào, mô phôi, protein-enzyme và kỹ thuật di truyền; công nghệ sinh học nông nghiệp, công nghiệp, y dược, tin - sinh học.
Người học cũng có thể tiếp cận những công nghệ mới như chỉnh sửa gen, in 3D tế bào, organoid, tổng hợp sinh học... tùy theo sở thích, thế mạnh và nhu cầu của thị trường.

Sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Đại học Dược Hà Nội, trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng về công nghệ sinh học để thực hiện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Các học phần chuyên ngành đa dạng với những môn như Tin sinh học ứng dụng, công nghệ tế bào động vật, công nghệ nuôi cấy mô và tế bào thực vật, kỹ thuật di truyền, nguyên lý và ứng dụng...
Trong khi đó, ở Đại học Dược Hà Nội, theo PGS.TS Phùng Thanh Hương, Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, chương trình cung cấp thêm nền tảng kiến thức liên quan tới sức khỏe, bệnh lý và thuốc. Sinh viên được tiếp cận các lĩnh vực đang phát triển mạnh như: gen dược học phục vụ cá thể hóa điều trị, nghiên cứu phát triển thuốc sinh học, công nghệ sản xuất vaccine...
"Đây là điểm đặc biệt trong chương trình đào tạo của trường so với các trường khác", bà Hương nói.
Song song đó, các trường chú trọng trang bị kỹ năng mềm để sinh viên tăng khả năng cạnh tranh khi tìm việc, như rèn luyện tư duy phản biện; kỹ năng thuyết trình và làm việc nhóm... Sinh viên cũng được thực hành, trải nghiệm thực tế nghề nghiệp, thực tập tại các cơ sở nghiên cứu hay doanh nghiệp...
Vị trí việc làm
Cử nhân Công nghệ sinh học có thể làm việc ở lĩnh vực như:
- Y, dược (xét nghiệm để chẩn đoán bệnh, bào chế thuốc, vaccine).
- Nông - lâm - ngư nghiệp (chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất các chế phẩm sinh học, các công nghệ sinh học giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm).
- Công nghiệp (công nghệ lên men, vật liệu sinh học, thuốc, chế biến).
- Thực phẩm (chế biến - bảo quản thực phẩm, các công nghệ sau thu hoạch...).
- Môi trường (xử lý môi trường, đánh giá mức độ độc hại của sản phẩm, xử lý chất thải...).
- Thành lập và điều hành các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư vấn, dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Theo các nhà trường, khoảng 5-10 năm trước, một số sinh viên ra trường khó tìm việc làm. Tuy nhiên, cơ hội hiện rộng mở hơn, nhất là từ sau đại dịch Covid-19, cho thấy vai trò của công nghệ sinh học trong các vấn đề sức khỏe cấp thiết toàn cầu.
Lương ngành Công nghệ sinh học bao nhiêu?
Theo PGS Hải, tùy tính chất công việc, mức lương cho sinh viên mới ra trường khác nhau. Nếu làm trong cơ quan nhà nước, lương theo hệ số, phụ cấp với công chức, viên chức.
"Nếu làm công ty ngoài, tùy vị trí, cử nhân Công nghệ sinh học có thể nhận lương khởi điểm 8-15 triệu đồng", ông nói.
Bà Hương đưa ra con số tương tự, với cử nhân làm việc trong các phòng nghiên cứu phát triển thuốc sinh học, bộ kit xét nghiệm, phòng kiểm nghiệm, phòng đảm bảo chất lượng ở các công ty y dược.
Mức này tăng dần theo sự đóng góp và kinh nghiệm của mỗi cá nhân, có thể tới 50-100 triệu một tháng ở một số công ty có chế độ đãi ngộ tốt.
"Những người có tiếng Anh chuyên ngành tốt và kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp làm việc trong các môi trường quốc tế có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, thu nhập còn cao hơn nữa", bà Hương cho hay.
Bình Minh - Dương Tâm