Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Luật việc làm sửa đổi, trong đó lần đầu đề xuất học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian nhưng không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ một tuần trong kỳ nghỉ. Các nhà trường có trách nhiệm quản lý việc này.

Trả lời VnExpress ngày 2/4, ông Bùi Tiến Dũng, chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng việc này không khả thi.

Theo ông, năm 2022, khi xây dựng thông tư về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, Vụ cũng nhận được đề xuất quản lý giờ làm thêm của sinh viên. Tuy nhiên, Vụ không đưa vào vì nhận định các cơ sở giáo dục chưa thể quản lý việc này.

"Một số nước quy định số giờ làm thêm của sinh viên nhưng chủ yếu áp dụng với du học sinh và họ có thể quản lý được", ông Dũng nói. "Chưa kể, không biết cơ sở khoa học nào, cách tính toán ra sao để đưa ra con số làm không quá 20 tiếng mỗi tuần".

Ông Dũng đã gửi ý kiến này cho Vụ Pháp chế của Bộ để tổng hợp vào góp ý dự thảo Luật việc làm sửa đổi.

Đây cũng là quan điểm của ông Lưu Đức Quang, giảng viên trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, tại hội nghị góp ý dự thảo Luật này do Liên đoàn Lao động TP HCM tổ chức, hôm 1/4.

Ông cho rằng nếu quy định về giờ làm thêm của học sinh, sinh viên được xây dựng dựa vào kinh nghiệm của nước ngoài thì chưa thấu đáo. Các nước kiểm soát thời gian làm thêm của du học sinh chứ không hạn chế sinh viên nước mình.

Ở Việt Nam, hầu hết trường đại học, cao đẳng đào tạo theo quy chế tín chỉ. Sinh viên được chủ động kế hoạch học tập, có khi học 3-3,5 năm đã tốt nghiệp, cũng có em hoàn thành sau 8 năm. Chương trình đào tạo ở nhiều trường được vận hành gần như liên tục nên khái niệm "kỳ học" hay "kỳ nghỉ" như trong dự thảo rất xa lạ với sinh viên.

Do vậy, ông cho rằng không đủ căn cứ để quy định thời gian làm thêm tối đa trong một tuần hay trong kỳ học.

Ngoài ra, mạng lưới an sinh xã hội ở Việt Nam chưa hoàn thiện, cơ chế cho sinh viên vay học tập còn hạn chế. Nếu siết giờ làm thêm, nhiều sinh viên sẽ không đủ khả năng theo đuổi việc học.

Về quản lý, trong bối cảnh tự chủ đại học, các trường không có động lực để triển khai, cũng không đủ nguồn lực để quản lý có hiệu quả.

Không chỉ ông Quang, nhiều đại biểu tại hội nghị đồng tình việc bỏ quy định hạn chế sinh viên làm thêm 20 giờ mỗi tuần.

xe-om-1712049633-4293-1712050754.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uSMBRSh7kZrc7mNfOJcMWA

Xe ôm công nghệ tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Trong số các bộ, ngành đã gửi ý kiến góp ý về Dự thảo Luật việc làm sửa đổi, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhắc đến tính khả thi của đề xuất quản lý giờ làm thêm của học sinh, sinh viên.

"Các cơ sở giáo dục chỉ quản lý học sinh, sinh viên khi tham gia học tập tại đơn vị chứ không thể đủ nhân lực quản lý khi học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian", Bộ Công thương nêu.

Còn Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng để quản lý, Luật cần quy định học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ học có xác nhận của trường; nếu đi làm trong kỳ nghỉ thì phải thông báo với nhà trường. Về phía cơ sở đào tạo cần có quy chế quản lý học sinh, sinh viên làm thêm, thay vì chỉ được nêu là "có trách nhiệm" như trong dự thảo.

Trong khảo sát hôm 31/3 của VnExpress với hơn 3.600 độc giả tham gia, 71% cho rằng sinh viên nên được làm thêm thoải mái. Chỉ 14% đồng tình sinh viên nên làm thêm mỗi tuần từ 20 tiếng trở xuống. Số còn lại cho rằng sinh viên có thể làm 20-30 tiếng là hợp lý.

Đại diện nhiều trường đại học cho rằng việc quản lý số giờ làm thêm của sinh viên là cần thiết nhưng khó khả thi bởi không có hệ thống quản lý đồng bộ hay công cụ kiểm chứng.

Dương Tâm - Hồng Chiêu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022