Hiện, việc dạy thêm, học thêm thực hiện theo Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành năm 2012. Trong đó, các trường hợp không được dạy thêm gồm học sinh tiểu học, học sinh đã học hai buổi trên ngày tại trường. Giáo viên trường công không được tổ chức, mà chỉ được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy học sinh chính khóa của mình nếu chưa được hiệu trưởng cho phép.

Bộ yêu cầu giáo viên, nhà trường không cắt giảm nội dung chính khóa để dạy thêm hoặc dạy trước chương trình. Học sinh học thêm nếu có nhu cầu, tự nguyện và được gia đình đồng ý.

"Không được dùng bất cứ hình thức nào ép buộc gia đình và học sinh học thêm", quy định nêu.

Thông tư 17 ban đầu cũng nêu quy trình, thẩm quyền cấp phép tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường và các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất của lớp học. Tuy nhiên, tới năm 2014, Luật Đầu tư bỏ quy định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên những điều khoản nói trên cũng được bãi bỏ.

onthitotnghiep-25-3650-1733721782.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-lq7K4EOqyKEFFNWYiMTDQ

Học sinh ôn bài cho kỳ thi THPT Quốc gia, năm 2019. Ảnh: Quỳnh Trần

Cuối tháng 8/2024, Bộ ra dự thảo thông tư sửa đổi về dạy thêm, học thêm. Một số thay đổi là bỏ yêu cầu giáo viên xin phép hiệu trưởng để được dạy thêm học sinh của mình. Thay vào đó, thầy cô chỉ cần lập danh sách, báo cáo và cam kết không bắt buộc các em đi học thêm dưới mọi hình thức. Đồng thời, giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra trên lớp.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Trung học của Bộ, quy định mới hướng đến việc loại bỏ các thủ tục hình thức, kiểm soát hiệu quả hoạt động này và giải quyết "vấn đề khiến dư luận bức xúc" là học sinh phải đi học thêm lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù các em không muốn.

Dù cả quy định hiện hành và dự thảo đều nhấn mạnh sự "tự nguyện", ông Nguyễn Hoàng Chương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng, cho rằng rất khó xác định và giải quyết chuyện ép học sinh học thêm.

Bởi nếu có, việc này "rất tinh vi", dưới nhiều hình thức, từ thái độ, lời nói, hành động, tới việc "cài cắm" kiến thức ở lớp học thêm vào đề kiểm tra trên lớp.

"Không hiệu trưởng nào có thể kiểm soát được hết điều này. Nhà trường chọn đề cuối kỳ, còn kiểm tra thường xuyên vẫn là giáo viên chủ động", ông Chương nói. "Tính khả thi của dự thảo rất thấp".

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nhìn nhận thầy cô có nhiều cách để lôi kéo, tác động học sinh.

"Ở lớp học thêm chỉ cần cho 1-2 bài giống với dạng sẽ kiểm tra, thì học sinh không đi học thêm sẽ thiệt thòi hơn. Hoặc với kiểm tra miệng, giáo viên mà muốn hỏi khó thì học trò cũng khó thoát, dù không ngoài chương trình", ông Ngai nói. "Do đó, về lâu dài, học sinh và phụ huynh sẽ lo lắng về kết quả, bị tâm lý mà đi học thêm".

Trên VnExpress, độc giả bàn luận sôi nổi về việc này. Khoảng 17% trong hơn 1.500 người tham gia khảo sát cho hay "bị tác động, lôi kéo học thêm". Ngoài chia sẻ câu chuyện của bản thân, nhiều người băn khoăn dự thảo sửa đổi của Bộ có giúp quản lý hoạt động này tốt hơn, làm thế nào đảm bảo được thầy cô không ép học sinh.

Đây cũng là lo lắng của chị Thúy Lan, 36 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội. Chị cho biết con gái từng bị cô chủ nhiệm gây áp lực, nhiều lần mắng giữa lớp sau khi không đăng ký lớp học thêm của cô. Cuối cùng, người mẹ đành cho con đi học, chuyện nói trên cũng chấm dứt. Vì vậy, quy định "nghe thì lý tưởng", nhưng chị không nghĩ có thể làm được.

"Tôi còn lo nếu không phải xin phép như trước, giáo viên càng có cớ ép học sinh", chị nói.

day-them-hoc-them-1-6179-16378-7659-9686-1733721783.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=l0r-8zJ_leiHCZjEwZuqxA

Thông báo lịch học của một lớp luyện viết chữ đẹp cho học sinh lớp 1 tại TP Thủ Đức. Ảnh: Mạnh Tùng

Ngoài những điều chỉnh, dự thảo không thay đổi quy định tổ chức dạy thêm. Theo luật, công chức và viên chức không tổ chức kinh doanh, gồm giáo viên trường công. Họ được tham gia dạy thêm chứ không được tổ chức kinh doanh hoạt động này. Dù vậy, giáo viên trường công đứng ra mở lớp dạy thêm không hiếm.

Theo khảo sát hơn 12.500 giáo viên của Đại học Quốc gia TP HCM, công bố cuối tháng trước, khoảng 8,1% giáo viên dạy thêm ngoài trường, chủ yếu ở các nhóm môn Toán, Văn, Tiếng Anh, Lý, Hóa.

Cô Phương, giáo viên Ngữ văn một trường THCS tại quận 1, TP HCM, nói sai nếu chiếu theo quy định vì "dạy chui" tại nhà.

Cô kể những năm đầu mới ra nghề, cô cũng đăng ký đi dạy ở trung tâm, nhưng thu nhập bị chia một nửa hoặc chỉ được trả công theo giờ bất kể số lượng học sinh nhiều đến đâu. Vì thế, cô tự thuê địa điểm mở lớp dạy thêm.

"Thời gian đầu, tôi đeo khẩu trang suốt vì sợ bị 'bắt'. Khi nghe phong thanh có đoàn kiểm tra là tôi cho lớp nghỉ", cô kể. "Làm nghề chân chính, kiếm tiền bằng mồ hôi công sức mà như buôn lậu".

Nữ giáo viên sau đó chuyển về dạy tại nhà. Chủ yếu dạy luyện thi lớp 10 nên cô Phương thường "chốt sổ" lớp từ hè. Đây cũng là cách cô "tránh tai tiếng" vì thời điểm này chưa biết mình sẽ dạy hay chủ nhiệm lớp nào. Hiện, cô nhận khoảng 70 học sinh, học phí tùy số lượng buổi học, thu nhập trung bình 40-50 triệu đồng mỗi tháng, gấp đôi lương ở trường.

"Tôi may mắn vì ban giám hiệu, đồng nghiệp đều hiểu cái bất cập trong quản lý nên cũng cho qua, miễn không để xảy ra tiêu cực", cô nói.

Cô Linh, giáo viên tiểu học ở Hà Nam, sắp bước vào năm thứ 11 tổ chức dạy thêm ở nhà. Là "giáo viên làng", cô dạy cả hai môn Toán và Tiếng Việt. Cô Linh cho biết quy trình mở lớp "không có gì phức tạp", chỉ cần chuẩn bị một phòng tại nhà, mua bảng và một số bàn học, rồi thông báo cho học sinh.

Việc xin phép hiệu trưởng dạy học sinh của mình cũng chỉ "cho có", thậm chí có năm cô không làm đơn, cũng không thấy bị nhắc gì. Cô cho biết sẵn sàng đăng ký dạy thêm ở trung tâm, nhưng ở quê không có. Để dạy thêm, giáo viên vẫn tự mở lớp.

Với 35.000 đồng với một học sinh/buổi học, cô Linh nói thu nhập được cải thiện đáng kể. Chỉ cần dạy 3-4 buổi một tuần, mỗi tháng cô có thể kiếm 20 triệu đồng, gấp đôi lương.

Cô Phương và cô Linh đều thấy dạy thêm là cách giáo viên kiếm tiền chính đáng bằng sức lao động, nên mong muốn được hợp pháp hình thức này. Hơn 63% trong số 12.500 giáo viên mà Đại học Quốc gia TP HCM khảo sát chung mong muốn này. Nhiều thầy cô đặt câu hỏi tại sao ngành, nghề khác được làm thêm nhưng giáo viên lại không, hay vì sao giáo viên dạy ở trường không được dạy thêm, còn giáo viên tự do lại thoải mái.

Các nhà giáo cho rằng việc hợp pháp hóa dạy thêm ở nhà giúp giữ được hình ảnh cao quý của nghề giáo trong mắt học sinh và xã hội, "còn hơn làm các nghề tay trái ít liên quan đến nghề nghiệp".

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, nguyên nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Sư phạm TP HCM, khẳng định không thể cấm dạy thêm, học thêm. Đây là nhu cầu có thực. Để tránh tiêu cực, ông cho rằng các trường phải nghiêm túc trong kiểm tra, đánh giá để giáo viên không lợi dụng điểm số làm công cụ ép học sinh tới lớp học thêm.

Thời gian qua, nhiều đại biểu quốc hội và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng học thêm là nhu cầu thực tế. Do đó, các bên đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm tránh biến tướng, giúp thuận lợi trong quản lý, đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò.

Thanh Hằng - Lệ Nguyễn

*Tên phụ huynh, giáo viên được thay đổi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022