"Việc ôn thi tốt nghiệp của em gần như phụ thuộc hoàn toàn vào học thêm", Huy, học sinh lớp 12 ở Duy Tiên, Hà Nam, nói.

Trước đó, Huy học tăng cường ở trường tất cả buổi chiều, gồm các môn Văn, Toán, Tiếng Anh và Hóa học. Đây là những môn em dự kiến đăng ký thi tốt nghiệp. Ngoài ra, nam sinh còn học thêm 4 buổi ở nhà thầy cô. Lý do là các môn theo chương trình mới, cấu trúc bài thi tốt nghiệp và các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học đều thay đổi, nam sinh không yên tâm nếu không đi học thêm.

Các giáo viên đều là người dạy Huy trên lớp. Nam sinh nói việc này thuận tiện vì em đã quen cách dạy, thầy cô cũng nắm được lực học, điểm yếu - mạnh của mình để hướng dẫn. Nam sinh được ôn lại kiến thức để nắm vững hơn, rồi luyện các dạng bài, đề thi do thầy cô soạn và sưu tầm. Vì vậy, Huy lo lắng khi phải dừng.

"Em tự học không tốt, ở quê cũng không có trung tâm nên sợ không có chỗ học", Huy chia sẻ. "Kỳ thi tốt nghiệp chỉ còn cách bốn tháng nữa. Em không biết xoay xở ra sao".

Anh Thư, học sinh lớp 9 ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh, nói hốt hoảng khi nghe cô giáo thông báo trường và cô phải dừng dạy thêm từ ngày 14/2. Nữ sinh hiện học ba buổi chiều ở trường, 6 buổi mỗi tuần ở nhà thầy cô, mục tiêu thi vào lớp 10. Trường Tiên Du 1 ở huyện này năm ngoái nằm trong top 4 lấy điểm chuẩn lớp 10 cao nhất của tỉnh.

"Năm nay còn thi theo chương trình mới nữa. Mọi thứ đều mới mà lại không được học thêm thì bọn em thi thế nào", Thư lý giải.

Sau Tết, giáo viên, trường học ở nhiều nơi như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Tiền Giang, Bình Dương... đồng loạt dừng dạy thêm. Lý do là quy định mới có hiệu lực từ 14/2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên không được dạy thêm có thu tiền với học sinh mà mình đang dạy trên trường.

Còn trong nhà trường, Bộ chỉ cho dạy thêm với ba nhóm: có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp. Việc này phải miễn phí, trong khi trường công không có nguồn thu đáng kể nào ngoài ngân sách nên phải dừng để chờ hướng dẫn.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hôm 9/1 cho biết các quy định này nhằm tránh tình trạng học sinh dù không muốn nhưng vẫn phải học thêm ở các lớp do thầy cô, trường học tổ chức, rồi ken đặc lịch học từ sáng đến khuya. Thay vào đó, các em có thời gian vui chơi, tập luyện thể thao, luyện vẽ, âm nhạc...

233a7284-1738846324-1738846475-4500-1738848788.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lCY3gs0af9cqorqB2_hhpQ

Thí sinh thi tốt nghiệp tại trường THPT Trưng Vương, TP HCM, tháng 6/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Khi giáo viên và các trường dừng dạy thêm, nhiều phụ huynh như "ngồi trên đống lửa".

Chị Lan Anh, ở quận Long Biên, Hà Nội, có con gái học lớp 9 trường THCS Thạch Bàn. Dù giáo viên chưa ra thông báo chính thức về việc dừng dạy thêm, chị vẫn lo. Người mẹ đánh giá học thêm ở trường có hai lợi ích lớn. Thứ nhất là giúp quản lý và đôn đốc con vì không phải em nào cũng biết tự học và quản lý thời gian. Nếu nghỉ tất cả buổi chiều, chị lo con mải chơi, lười học. Trong khi đó, kỳ thi vào lớp 10 rất căng thẳng.

Thứ hai là học phí rẻ. Chị Lan Anh chỉ phải trả hơn 30.000 đồng một buổi học thêm ở trường, trung bình một tháng 800.000-900.000 đồng. Còn ở trung tâm bên ngoài, chị từng tìm hiểu và biết học phí gấp 3-5 lần. Nếu ra học thêm bên ngoài, chị không chỉ thêm lo về tiền mà còn sợ con không quen với thầy cô mới, chưa biết có phù hợp hay không trong khi học kỳ II là giai đoạn nước rút ôn tập.

"Tôi lo lắm. Giờ nếu bảo tôi viết đơn, hay cùng các phụ huynh khác đi xin cơ quan chức năng để trường được dạy thêm thì tôi cũng làm", chị nói.

Chị Phương Hoa, ở quận Hà Đông, Hà Nội, cho rằng 45 phút một tiết trong chương trình chính khóa là không đủ để học sinh hiểu sâu, nắm kỹ bài. Vì vậy, khi không còn được học thêm, chị "cũng lo".

Còn chị Hương, có con học lớp 7 ở quận Hoàn Kiếm, thì lo không ai đón con buổi trưa khi trường dừng dạy buổi chiều. Đây cũng là điều phụ huynh trong lớp bàn bạc suốt mấy hôm nay.

"Cho đi bus thì về tới nhà quá bữa trưa. Còn đi đón thì không có người", chị Hương nói. "Nói chung là bất cập".

Mặt khác, trên các diễn đàn, không ít phụ huynh chia sẻ cảm thấy nhẹ nhõm, bớt áp lực khi trường học, thầy cô dừng dạy thêm. Theo khảo sát của VnEpxress, tính đến tối 6/2, khoảng 62% trong hơn 4.100 độc giả ủng hộ quy định mới. Một số nhà giáo cũng nhìn nhận việc dừng dạy thêm có tác động tích cực.

Thầy Hoàng Nam, giáo viên dạy Toán tại một trường THPT ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nói thực tế nhiều học sinh không muốn học thêm nhưng vẫn phải đi học vì sợ thầy cô, lo bị điểm kém. Thầy còn băn khoăn về chất lượng dạy thêm ở trường, vì thấy rằng nhiều giáo viên chỉ cho học sinh luyện các bài giống đề kiểm tra.

Lãnh đạo một trường THCS ở huyện Đông Anh nhận định dừng dạy thêm giúp học sinh bớt lệ thuộc vào hình thức ôn luyện này, mà phải chủ động và tự lập hơn. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới mục tiêu phát triển năng lực, đề cao tính cá nhân hóa, trong khi nội dung học thêm chủ yếu là luyện bài tập theo dạng có sẵn.

Song, ông cho rằng chuyện có học thêm hay không nên để người học quyết định, không nên dừng đột ngột như hiện tại. Việc này ảnh hưởng tâm lý, gây xáo trộn kế hoạch học tập của các em và nhà trường.

Trong lúc đợi hướng dẫn, cô An, giáo viên tiếng Anh THPT ở Vĩnh Phúc, khuyên học sinh bình tĩnh, lên kế hoạch và đặt mục tiêu học tập. Cô đang tìm hiểu thêm các ứng dụng học trên mạng để hướng dẫn học trò.

Quốc Huy cũng nhờ mẹ tìm một số khóa học trực tuyến với học phí phải chăng. Còn Anh Thư chờ đợi thầy cô về việc mở lớp trực tuyến hoặc đến nhà kèm các em.

Dù chưa vội như các anh chị lớp 12, Nguyễn Thị Nguyên, lớp 11 ở Vĩnh Phúc, định học nhóm với các bạn để chữa bài cho nhau, chia sẻ tài liệu, bài giảng khi trường dừng dạy.

"Không học thêm nữa mà thi vẫn khó thì em nghĩ mình khó đạt kết quả mong muốn", Nguyên nói.

Thanh Hằng - Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022