Trong đó, ba thí sinh đến từ khối chuyên Tin, trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, gồm Nguyễn Đức Anh Khoa (lớp 12), Nguyễn Tuấn Hùng (lớp 11) và Tạ Hầu Việt Long (lớp 10). Đội của các em có tên Blue Dynamic, do thạc sĩ Nguyễn Hải Đăng, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, hướng dẫn.

Bốn em còn lại thuộc đội T-AMS1, là học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đó là Vũ Lê Anh Đức (lớp 11 Lý 1), Ngô Việt Anh (11 Oxford), Nguyễn Đăng Khiêm (11 Cambridge) và Phạm Nam Khánh (10 Tin).

hoc-sinh-ai220240708215258-1290-1720599242.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sG46NQkdhcatt6bpu5Grxw

Bốn học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam dự thi Olympic Trí tuệ nhân tạo quốc tế 2024. Ảnh: Website nhà trường

Năm nay, Olympic Trí tuệ nhân tạo quốc tế (IOAI) dành cho học sinh trung học, lần đầu được tổ chức với mục tiêu phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực này.

Người khởi xướng và kiêm chủ tịch IOAI là Alexander Velinov, Trưởng đội tuyển Ngôn ngữ học của Bulgaria. Thành viên của ủy ban này còn có Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học Galin Tsokov, đại diện của thành phố Burgas - nơi tổ chức cuộc thi, thành viên Hiệp hội các cuộc thi Olympic về khoa học tự nhiên (SOOPN)...

Vòng chung kết diễn ra tại Bulgaria từ ngày 9 đến 15/8, với các đội thi đến từ 49 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo ban tổ chức, nội dung thi gồm hai phần là khoa học và thực hành.

Ở phần khoa học, các đội sẽ nhận ba bài toán trước 6 tuần để thực hiện. Tại cuộc thi, ban tổ chức sẽ cho 3 bài mới, dựa trên những bài đã cho, yêu cầu các đội đưa ra giải pháp dưới dạng mã python.

Tới phần thực hành, thí sinh có 2-4 giờ để giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có kiểm tra, phân tích và giải thích hành vi của hệ thống AI, thông qua các phần mềm như ChatGPT và DALL-E.

Để tham dự vòng chung kết, các học sinh trường Ams và Phổ thông Năng khiếu đã giành chiến thắng tại vòng quốc gia, do Viện Nghiên cứu Đổi mới sáng tạo và Kiểm định chất lượng (RIVA) tổ chức, hôm 29-30/6.

Ngoài trình bày nghiên cứu khoa học, các em phải thi thực nghiệm về học máy (dự đoán chỉ số bụi mịn PM2.5), thị giác máy tính (phân loại ảnh chụp viên thuốc) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (tóm tắt văn bản y sinh).

PTNK-1447-1720599242.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bi2CflPdfKmDCBVisyaK7g

Ba học sinh trường Phổ thông Năng khiếu dự thi Olympic Trí tuệ nhân tạo quốc tế 2024. Ảnh: VNU-TP HCM

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022