Sáng 23/4, học sinh trường Tiểu học Thụy An tập trung dưới sân trường, tham gia hoạt động trải nghiệm nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thầy Nguyễn Tiến Trình, Phó hiệu trưởng, cho hay nhằm giúp học sinh hiểu ý nghĩa của sự kiện lịch sử này, nhà trường dàn dựng hoạt cảnh "Điện Biên - vang mãi bản hùng ca chiến thắng", mô phỏng cảnh bộ đội kéo pháo, tải lương, tải đạn bằng xe thồ. Học sinh được đóng vai các chiến sĩ Điện Biên, đặc biệt là anh hùng Tô Vĩnh Diện, chiến sĩ của lực lượng pháo cao xạ lấy thân mình chèn vào càng pháo, giữ không cho khẩu pháo lăn xuống vực.

"Trải nghiệm này giúp các em hình dung được sự vất vả, quyết tâm chiến thắng của bộ đội ta, đồng thời nêu cao tấm gương dũng cảm của anh hùng Tô Vĩnh Diện", thầy Trình nói.

keo-phao-4936-1713853269.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZX4yO7_XlAh8KnUx49hIrw

Học sinh trường Tiểu học Thụy An tái hiện cảnh kéo pháo trên sân khấu sáng 23/4. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Tiết mục mở màn bằng hình ảnh bộ đội hành quân băng đèo, vượt núi; đoàn dân công gồng gánh, thồ lương, tải đạn lên Điện Biên.

Thực dân Pháp trước đó cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Để tiêu diệt địch, quân ta áp dụng chiến thuật vây lấn. Việc kéo pháo vào trận địa nhiều khi phải thực hiện vào ban đêm, để tránh bị lộ.

hoc-sinh-tieu-hoc-dan-canh-tran-dia-phao-dien-bien-phu-1713851967.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EdFLvOzlomYMGI6OC9M6aw
Học sinh tiểu học dàn cảnh trận địa pháo Điện Biên Phủ

Hoạt cảnh kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại trường Tiểu học Thụy An, Ba Vì. Video: Nhà trường cung cấp

Cảnh kéo pháo trở nên ấn tượng khi mô hình khẩu pháo cao xạ 37 mm ngụy trang bằng lá cây được kéo ra sân khấu. Hàng trăm học sinh bên dưới ồ lên thích thú và hò dô theo hiệu lệnh của chỉ huy trên sân khấu.

Hoạt cảnh sau đó khiến các em xúc động khi chiến sĩ Tô Vĩnh Diện hy sinh vì lấy thân mình chèn pháo, tiếp thêm sức mạnh để đồng đội chiến đấu và chiến thắng. Tiết mục kết thúc trong những tràng pháo tay cổ vũ của học sinh và giáo viên.

Được chọn vào vai Tô Vĩnh Diện, em Nguyễn Đăng Khoa, lớp 3A1, tự hào khi hoàn thành nhiệm vụ. Khoa cho biết sáng nay đến trường sớm để chuẩn bị trang phục và tinh thần lên sân khấu. Em cùng 18 bạn khác từ lớp 3 đến lớp 5 đã tập luyện 10 ngày cho tiết mục này. Ở nhà, Khoa tập kéo pháo với sự hỗ trợ của mẹ, xem phim và đọc thêm tư liệu để hiểu hơn về bối cảnh.

"Em thích mặc trang phục bộ đội. Em không run mà cảm thấy vinh dự", Khoa nói, cho biết rất ấn tượng về mô hình khẩu pháo cao xạ. "Cách học sinh động giúp chúng em tiếp thu bài nhanh, dễ nhớ".

Thầy Trình cho biết đã cùng bác bảo vệ và giáo viên Mỹ thuật của trường chế mô hình này trong một buổi chiều, từ các nguyên liệu như thùng xốp, ống nhựa, vải bạt và bàn học. Để mô hình có thể di chuyển, thầy giáo sử dụng chiếc xe rùa cũ của trường.

"Chi phí chỉ mất vài chục nghìn đồng để in vải bạt", thầy Trình nói.

Ngoài ra, thầy Trình còn làm nhiều đạo cụ khác, như súng từ cọng lá chuối, gỗ; bao gạo là gối của học sinh được bọc nilon đen. Xe thồ tải đạn là xe đạp của học sinh được chế thêm cọc yên kéo dài, cài cành lá ngụy trang.

Theo thầy, giáo viên và học sinh của trường thường xuyên chế tạo các dụng cụ để làm phong phú thêm đồ dùng học tập, phục vụ bài học lịch sử, khoa học... Nguyên liệu phổ biến là bìa cứng hoặc các vật dụng tái chế, dễ kiếm.

keo-phao2-4576-1713853269.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QgtYipgicY9HiO9qsc-GCg

Mô hình khẩu pháo cao xạ được thầy cô trường Thụy An sáng tạo cho hoạt cảnh sáng 23/4. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Thầy Trần Đăng Tá, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết dạy lịch sử cho học sinh thông qua sân khấu hóa được trường tổ chức thường xuyên. Chẳng hạn, học sinh được giáo dục về lòng yêu nước qua tấm gương của anh hùng Võ Thị Sáu, với các hoạt cảnh tái hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trường Tiểu học Thụy An thành lập năm 1960, hiện có gần 1.000 học sinh, được công nhận trường chuẩn quốc gia năm 2023.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022