Thầy Duy đến chào tạm biệt học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Liên, huyện Sơn Tây, sau khi nhận quyết định chuyển công tác, chiều 10/10. Ban đầu, thầy chỉ định gặp riêng lớp 4B mà mình chủ nhiệm, để dặn dò các em cố gắng học tập, nhưng không ngờ cả trường đã có mặt.

Thấy các em òa khóc, thầy cũng nghẹn ngào không nói nên lời.

Video ghi lại cảnh này của một giáo viên trong trường khiến nhiều người xúc động. Dưới bài đăng trên Facebook, không ít bình luận thể hiện tình cảm, sự ngưỡng mộ, có người kể lại kỷ niệm cùng công tác và chúc thầy thuận lợi trên hành trình mới.

Thầy Nguyễn Đăng Khoa, hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Sơn Liên, nói thầy Duy rất yêu thương học trò. Thầy dạy tiểu học nhưng vì trường có cả hệ THCS nên nhiều em đã gắn bó với thầy Duy 9 năm, từ ngày lớp 1.

"Hay tin thầy Duy chuyển công tác, nhiều em không kìm được nước mắt. Giáo viên chúng tôi cũng khóc khi thấy tình cảm của các em", thầy Khoa chia sẻ.

hoc-tro-vung-cao-oa-khoc-khi-thay-giao-ve-xuoi-1728744503.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=edDFIGYz6vy5Mk6t5oJ-7w
Học trò vùng cao òa khóc khi thầy giáo về xuôi

Học sinh khóc khi thầy Duy đến chào tạm biệt. Video: Xuân Thìn

Thầy Nguyễn Ngọc Duy gắn bó với vùng cao Sơn Liên ngay khi ra trường, 13 năm trước. Ngày đó, cuộc sống ở đây vô cùng khó khăn, 90% dân số là người CaDong, phần lớn là hộ nghèo và cận nghèo.

Thầy Duy kể hay đi dạy ở những điểm trường lẻ, phải vượt qua những con đường đầy bùn đất, nên thấu hiểu sự gian nan của học trò. Vào mùa lạnh, nhiều em mặc áo mỏng manh, co ro trong giá rét khi đến trường. Mùa mưa lũ, thầy và đồng nghiệp phải ở lại trường cả tháng, không ít lần lội qua những khúc suối chảy siết để đón các em đến lớp.

Ông Lê Hoài Thạnh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục huyện Sơn Tây, còn nhớ một lần thầy Duy suýt chết đuối, nhưng may mắn được cứu sống.

Sau này, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Liên có chế độ bán trú nên mọi thứ đỡ khó khăn hơn.

"Thầy cô cũng gần gũi với học sinh hơn, từ việc học tập đến cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi chăm sóc, lo lắng cho các em như cha mẹ", thầy Duy nói. Thầy thường đứng ra vận động, kết nối các nhà hảo tâm để quyên góp quần áo, dụng cụ học tập cho học sinh.

z5923738212842-76514b2952a097b-4478-8838-1728744793.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=H6v76czfjiSXW3mZhh2U6g

Thầy Duy trong một lần chụp ảnh với học sinh lớp 4B. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ tuần tới, thầy Duy sẽ về giảng dạy tại trường Tiểu học Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi.

Thầy cho biết chuyển về xuôi vì mẹ già thường xuyên đau yếu, vợ thầy phải chăm sóc mẹ cùng hai con 5 và 7 tuổi rất vất vả. "Bấy lâu nay, vợ tôi đã chăm sóc gia đình để tôi yên tâm dạy học. Giờ về gần nhà, tôi có thể chia sẻ với vợ nhiều hơn", thầy nói.

Nhưng thầy cũng day dứt khi rời xa mái trường Sơn Liên sau 13 năm gắn bó.

"Học trò ở miền núi rất nhiều khó khăn. Tôi mong các em sẽ vượt qua, cố gắng học tập và thay đổi cuộc sống".

Ông Thạnh cho rằng, tình cảm của học trò chính là thước đo chính xác nhất cho phẩm chất của người thầy. "Và thầy Duy đã để lại ấn tượng sâu sắc không chỉ trong lòng học trò mà cả đồng nghiệp", ông nói.

Phạm Linh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022