Ông Peter Wallet, chuyên gia chương trình giáo dục, Lực lượng đặc nhiệm quốc tế về nhà giáo cho mục tiêu giáo dục 2030 của UNESCO, cho biết thông tin trên tại hội thảo tham vấn khung chính sách và pháp lý cho nhà giáo, hồi giữa tuần.
Theo số liệu của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc), tỷ lệ giáo viên bỏ nghề trên toàn cầu tăng từ 4,62% vào năm 2015 lên thành 9,06% năm 2022. Tỷ lệ giáo viên nam bỏ nghề cao gấp đôi nữ (9,2% so với 4,2%).
Tổ chức này tính toán để đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục vào năm 2030, thế giới cần thêm 13 triệu giáo viên tiểu học và 31 triệu giáo viên bậc trung học.
"Tỷ lệ giáo viên bỏ nghề tăng làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu giáo viên trên toàn cầu", ông Peter nói.
Chuyên gia này cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mức lương của giáo viên tại nhiều nước không cạnh tranh. Giáo viên tiểu học ở hơn một nửa quốc gia trên thế giới có mức lương thấp hơn các ngành nghề khác có yêu cầu tương tự. Như tại châu Âu, 7 trong 10 nước xảy ra tình trạng này.
Ở một số quốc gia thu nhập thấp, lương giáo viên được ghi nhận cao gấp đôi mức trung bình của ngành nghề có yêu cầu tương tự nhưng thường vẫn không đủ đáp ứng chi tiêu trong gia đình.
Ngoài ra, các yếu tố dẫn đến việc giáo viên bỏ nghề, theo chuyên gia UNESCO là điều kiện làm việc và mức độ hài lòng với nghề, chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến, cùng các vấn đề cá nhân như sức khỏe hay trách nhiệm với gia đình.
Đại biểu dự hội thảo tại Bộ Giáo dục và Đào tạo chiều 26/11. Ảnh: Trần Hiệp/MOET
Tại Việt Nam, tính đến tháng 4, cả nước thiếu hơn 113.000 giáo viên mầm non và phổ thông. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ tồn tại ở hầu hết địa phương, nhất là các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Nguyên nhân chủ yếu, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, là do sức hút vào ngành còn hạn chế, tình trạng giáo viên nghỉ việc còn cao, thiếu nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù. Lý do giáo viên nghỉ việc tương tự những gì UNESCO chỉ ra.
Dự thảo Luật Nhà giáo được trình Quốc hội hôm 20/11 có một số chính sách quan trọng để khắc phục, như lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Giáo viên được tuyển dụng lần đầu được tăng một bậc lương so với bảng lương hành chính thông thường. Nhóm dạy mầm non và tiểu học hưởng phụ cấp ưu đãi nghề cao hơn hiện nay lần lượt 10 và 5%.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho hay những chính sách này một phần theo kinh nghiệm quốc tế.
Như tại Trung Quốc, giáo viên cũng có những ưu đãi đặc biệt. TS Li TingZhou, Trung tâm Đào tạo giáo viên, Đại học Sư phạm Thượng Hải, cho biết Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống chức danh nghề nghiệp thống nhất cho giáo viên. Tương tự như giáo sư đại học và bác sĩ, giáo viên tiểu học và trung học có thể đạt được các chức danh nghề nghiệp ở mức cao.
Hiện, Trung Quốc có khoảng 11 triệu giáo viên, trong đó khoảng 30.000 người có chức danh nghề nghiệp tương đương với chức danh giáo sư. Tiền lương và phúc lợi xã hội với họ cũng tương đương, từ đó thúc đẩy vị thế giáo viên tại Trung Quốc.
Dương Tâm