"Rút tiền sớm, mất lãi khiến tôi suy nghĩ dữ lắm nhưng nghe tin mưa lũ, sạt lở liên tục, tôi quá nóng ruột", GS.TS Lê Ngọc Thạch, giảng viên thỉnh giảng tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, kể, tối 11/9.

Đây là số tiền ông để dành dưỡng già sau nhiều năm tích cóp, phần lãi lâu nay được dùng để ủng hộ các hoạt động thiện nguyện. Hôm 10/9, cuốn sổ tiết kiệm còn 7 ngày nữa là đáo hạn, nhưng sợ không kịp giúp bà con nên ông định rút luôn.

"Số tiền một tỷ có thể lớn với một cá nhân nhưng so với những khốn khổ, mất mát của đồng bào lúc này thì chỉ là hạt cát. Tôi vẫn còn tiền đi dạy, hưu trí, con cái thành đạt, nên không lo lắng gì", ông nói.

May mắn, ông được phía ngân hàng tạo điều kiện, vẫn chi trả phần lãi. Biết tin, nhiều học trò, người quen liên lạc, nhắn tin cho ông để động viên, thăm hỏi sức khỏe.

"Tôi rất vui nếu hành động của mình khuyến khích nhiều người làm việc thiện", giáo sư nói.

thay-le-quang-thach-2-jpg-1726-8729-2673-1726107858.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BZKVtCEPTf6ajzZTyQFN1Q

GS Lê Ngọc Thạch tại nhà riêng, tối 11/9. Ảnh: Lệ Nguyễn

Thời phổ thông, GS Thạch theo học tại trường Petrus Ký (nay là THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM). Sau khi tốt nghiệp, năm 1976, ông học khoa Hóa, trường Khoa học Đại học đường (hiện là Đại học Khoa học Tự nhiên).

Ba năm sau, ông được khoa giữ lại làm trợ giảng, hỗ trợ công tác học vụ và phụ tá GS.TSKH Lê Văn Thới, rồi trở thành giảng viên chính thức. Ông kể từng được mời làm việc ở Pháp và Australia sau hai chuyến tu nghiệp sau tiến sĩ nhưng muốn về nước cống hiến.

Đến nay, dù đã nghỉ hưu được 6 năm, ông vẫn thỉnh giảng đều đặn. Ông cho hay lương hưu được khoảng hơn chục triệu đồng mỗi tháng, thêm khoảng 10-20 triệu đồng tiền dạy học, tùy số tiết, lớp. Thỉnh thoảng, ông có thù lao từ các hoạt động hỗ trợ, dự án hợp tác ngắn hạn về chuyên môn.

Theo thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, thầy Thạch được nhiều thế hệ học trò khoa Hóa yêu mến bởi sự uyên bác trong chuyên môn và phong thái gần gũi, giản dị.

Năm 2017, giáo sư bỏ 1,5 tỷ đồng cùng nhà trường sáng lập giải thưởng Lê Văn Thới dành cho sinh viên ngành Hóa có nghiên cứu, luận án xuất sắc. Năm ngoái, ông ủng hộ thêm 500 triệu đồng.

"Đây chỉ là một phần trong rất nhiều đóng góp của ông cho các quỹ, giải thưởng, học bổng của trường", ông Quán nói. Ngoài ra, năm 2021, thầy Thạch tài trợ một tỷ đồng để Hội Hóa học TP HCM thành lập giải thưởng Lê Văn Thới về Hóa học Xanh cho những nghiên cứu về phát triển bền vững.

Thầy Thạch kể bắt đầu làm thiện nguyện từ thời trung học, bằng cách góp công sửa nhà, xây đường, giúp đỡ mái ấm trẻ mồ côi. Sau này đi làm, ông đóng góp được nhiều hơn, bằng nhiều cách.

"Tôi không nhớ hay tính toán làm chi, khoản nào ủng hộ qua các tổ chức thì có biên lai, còn nhiều nơi tôi gửi tiền, vàng trực tiếp thì tôi quên luôn", ông nói.

Ngoài tiền, thầy Thạch cũng tặng hàng nghìn đầu sách, tài liệu sưu tầm ngành Hóa cho thư viện Đại học Quốc gia TP HCM, làm tình nguyện viên ở một quán cơm từ thiện gần nhà và trại phong Bến Sắn (Bình Dương). Nhiều học sinh, sinh viên Y khoa được ông đồng hành, hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng. Một số bệnh nhân ngặt nghèo cũng tìm đến ông để được hỗ trợ chi phí phẫu thuật.

thay-Le-Quang-Thach-3-4958-1726107858.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZAtfIYtyyuk4n8BGOxAq-w

GS Thạch (thứ 4 từ trái qua) trao học bổng cho học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM, sáng 10/9. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở tuổi 76, thầy Thạch nói tâm nguyện duy nhất của ông là giữ sức khỏe tốt để làm việc, sao cho việc hôm nay tốt hơn hôm qua, cuốn sách sau viết tốt hơn cuốn trước và giúp ích cho đời.

"Tôi còn sống thì còn làm việc, thiện nguyện cho đến khi không còn sức nữa mới thôi. Mục tiêu năm nay của tôi là viết xong cuốn sách nữa", giáo sư nói.

Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022